Beaumont 2018 – Hãy Vứt Mình Đi

TỪ BỎ VÀ RA ĐI (2)

Sau vài phút Bác Út hướng dẫn Tham Thiền-Yoga cho tĩnh trí. Bác Út tiếp: “Thiên Chúa tạo dựng nên loài người rồi lại bảo “từ bỏ chính mình”. Mâu thuẫn thế sao? Không. Không những không nghịch lý mà còn đúng như vậy. Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu “chính mình” là cái gì một cách khoa học, y học, tâm sinh lý học. Để từ đó nhận ra cái gì trong ta mà Chúa muốn chúng ta loại bỏ”. Đó là đoạn mở đầu của Bác Út-LM Trần Quang Lương thuyết giảng trong lần họp mặt Lâm Bích hải ngoại ngày 26-28/10/2018 với chủ đề “Từ Bỏ Chính Mình”.

Phúc âm của 3 thánh Matthew, Macco, Luca đều nói về sự kiện này nhưng mỗi Vị trình thuật ở những bối cảnh khác nhau. Matthew (16:24): Khi ấy, Đức Jesus nói với các môn đệ rằng: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo…”. Macco (8:34): Đức Jesus nói với đám đông và các môn đệ rằng: “…”. Luca (9:23): Đức Jesus nói với mọi người rằng: “…” Giáo Hội cũng đã chọn những đoạn Tin Mừng này để phụng vụ lời Chúa trong các Chúa nhật thường niên năm A-B-C. Điều này cho thấy tầm quan trọng và là một trong những điểm cốt lõi để mời gọi con người hy vọng được ơn cứu độ. Đường Hy Vọng viết: “Con chỉ có một phút giây đẹp nhất đó là hiện tại”. Nên chi, “Đừng bỏ rơi hiện tại và hãy từ bỏ mình, vác thập giá theo Ngài”, Bác Út xác quyết vậy.

Hãy vứt mình đi

Những sơ đồ trên bảng giấy lần lượt mở ra với những dàn ý. Y học đã chỉ rằng, trong não bộ con người có hàng triệu triệu tế bào và nó có những chức năng khác nhau. Ở đó, có 4 quan năng chính của con người:

Thứ nhất là sự nhận thức, tri giác (perception); quan sát để đón nhận đối tượng (đối tượng là Thiên tạo).

Thứ hai là suy tưởng (thinking) để khẳng định và sao chép đối tượng thành khái niệm.

Thứ ba là sự xúc cảm (emotion), phản ứng tâm lý: thích hay không thích, thiện chí hay không thiện chí, tích cực hay không tích cực, vị tha hay vị kỷ. Vị tha nhân, gia đình, xã hội… (địa hạt này có tác động của Chúa Thánh Linh). Vị kỷ (cái tôi quá lớn), người vị kỷ là người không có chỗ đứng cho tha nhân, bỏ rơi tất cả; người không có Thiên Chúa, họ thờ lạy chính họ và dẫn đến vô thần. Người quá vị kỷ có thể sẽ đi tới kêu ngạo. Chính cái vị kỷ này là “điểm” mà Chúa muốn chúng ta từ bỏ. Và cũng chính “anh này đây” mà sinh ra “thời thế tạo anh…hờn!”, Bác út trỏ những anh em khỏe mạnh, có điều kiện hẳn hoi mà “trốn” họp mặt; dù đây chỉ là một tiết diện nhỏ trong đời sống.

Thứ tư là ký ức (memory) – nơi lưu trữ khái niệm. Bỏ hết ký ức, chẳng hạn, bỏ hết mọi thói hư tật xấu của vợ đi (và ngược lại), chúng ta sẽ thấy nàng như ngày mới cưới!

Y học nói, chính bốn quan năng này giúp con người tồn tại. Theo khoa tâm sinh lý học, thay đổi sự xúc cảm (emotion) và ký ức (memory) con người sẽ hết bệnh. Với chúng ta theo Chúa, Chúa sẽ chữa lành cho.

Nên nhớ, đối tượng là Thiên tạo, còn bốn quan năng trên là nhân tạo. Thiên tạo cao trọng và qúy hơn cái nhân tạo nhiều. Nếu con người biết vậy thì thế giới này hòa bình thực sự!

Và, có 4 bước chính yếu trong tiến trình con người từ bỏ chính mình và theo Chúa: Bước 1: Bản năng (instinct). Bước 2: Lý trí-tình cảm (intellectual-emotion). Bước 3: Đức tin (faith), tòng phục Thiên Chúa và buông hết cái tôi đi. Bước 4: Ân sủng (grace) sự nuôi dưỡng của Thiên Chúa. Trên 4 bước này, tôi làm theo bước 1 hay bước 3? Xin mời chúng ta suy tư và tự trả lời cho chính mình.

Giờ chia sẻ ít ỏi, Hoàng Văn Canada dõng dạc đứng lên nhưng không rao lô tô mà “xin lỗi cô Kim (bạn Hoàng Văn) vì tôi nhắc lại chuyện cũ riêng tư”. Hoàng Văn tiếp: Đã 39 năm trong đời sống vợ chồng, rồi kết thúc. Sau khi thất bại, tôi suy sụp và suy tư rất nhiều để rồi quyết định đi tu, xin vào đâu đó làm cư sĩ thôi. Tôi đem ý định này nói với con cái và cứ mỗi ba tháng “ba sẽ về thăm các con”. Con nó nói, “ba đi tụi con buồn lắm, ba đừng có đi tu!”. Thế rồi, mới có ý định từ bỏ thôi mà “Chúa đã cho nhiều hơn, cho cô Kim (bác sỹ Đông y) trẻ đẹp ngồi bên cạnh tôi đây!” Chắc Chúa cho rằng, đi tu làm cư sĩ cũng đặng nhưng chưa tích cực lắm, bằng chi, để cho đôi “bạn đường” luông luống này ở lại với thế gian; người rao lô tô, người bốc thuốc cũng mua vui cho đời “một vài trống canh”, cũng cứu giúp được người đau yếu.

Nhạc sĩ Vọng Sinh buông phiếm piano chia sẻ, Trong anh chị em chúng ta đây hầu như ai cũng có gia đình riêng, buồn vui trong đời sống vợ chồng cũng lắm, cũng từng nếm trãi; “nhiều lúc đau vô cùng tận, tức giận vợ đến điên tiết, muốn bóp cổ cho nó chết quách đi!”, Vọng Sinh bấu hai bàn tay như móng vuối con đại bang sắp chộp lấy hươu và gào lên làm vậy. “Thế rồi gầm gừ đè nén, đè nén… để cảm hóa người vợ và rồi chuyện cũng qua đi”, Vọng Sinh thở phào như buông lõng phiếm đàn.

Anh Kim Hoàng Cali tiếp, “Hình như càng về già con người ta càng quãng đại. Thương quá anh em ơi, đã bao lâu rồi, nay mới gặp lại nhau!”

Nói tuồng rằng, trong giáo lý hôn nhân và gia đình dạy: Hỏi, vì sao ta phải yêu thương vợ ta? Thưa, vì vợ ta không sinh ra ta nhưng dạy dỗ ta nên người! Anh Trung Cali chắc cảm khái câu giáo lý trên mà chia sẻ thật nhẹ nhàng, dịu ngọt. Anh Trung nói, “Khi lấy vợ, tôi nghĩ đó là món quà mà Chúa cho mình. Nên chi phải tha thứ tất tần tật… để gìn giữ món quà ấy. Và phải siêng năng nguyện cầu, tham dự Thánh lễ để Chúa ban cho ân sủng, đừng ỷ lại chính mình”.

Theo Đạo phải sống Đạo

Thánh lễ sáng ngày 27/10, thầy sáu Liệu giảng:

Ông Nội Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận có lần đã nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai. Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện. Nhưng sự khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn”.

Thông thường chúng ta quan niệm sám hối là từ bỏ điều xấu hoặc thôi làm việc sai quấy. Quan niệm như thế đúng thật, vì đó là một phần thực tế của ăn năn. Nhưng một phần thì chưa phải là toàn diện. Trong bài Phúc Âm hôm nay, lời kêu gọi sám hối của Đức Giêsu là lời kêu gọi sám hối toàn diện, không những chỉ là lời kêu gọi trở về từ tội lỗi, nhưng là một lời kêu gọi phải làm điều lành, điều tốt như bổn phận.

Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh cáo dân Israel 2 lần thế này “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". Để làm sang tỏ thêm lời cảnh cáo, Chúa Giêsu kể dụ ngôn cây vả nơi vườn nho. Đã 3 năm liền, cây

vả không sản suất một quả nào! Chủ vườn tính chặt đi khỏi choán đất vô ích nhưng rồi đổi ý chờ thêm một năm nữa, chăm sóc, phân bón kỷ hơn, may ra nó sinh trái chăng? Bằng không năm tới sẽ chặt nó xuống.

Ai cũng biết mục đích trồng cây là để ăn trái, mà cây nào không sinh trái thì phải kể là khuyết dụng, thất bại. Kêu gọi ăn năn sám hối mà kể chuyện cây không sinh trái là Chúa chủ đích lưu ý ta hãy hối cải về sự vô dụng của chúng ta. Sự thách đố về hối cải của Chúa đã không đặt nặng vào việc thôi làm xấu, cho bằng là phải làm tốt nữa. Đó là một thứ hối cải tích cực mà chúng ta ít để ý tới.

Đối với đa số chúng ta, tội là đã làm những điều trái với điều răn nhưng tội không phải chỉ có từng ấy mà thôi, tội còn là “từ chối không muốn làm điều phải làm”. Mục đích của cây vả là sinh trái. Không đạt được bổn phận sinh trái là khiếm khuyết, và hiểu theo phương diện thiêng liêng thì khiếm khuyết là tội. Cũng thế, chúng ta có mặt ở trần gian này đều có lý do và mục đích. Chúng ta được sinh ra đời, được đặt định sống nơi đây, là để đem lại ít nhiều tốt lành hữu ích cho gia đình, cộng đoàn và xã hội. Nếu chúng ta khiếm khuyết, không thực hiện mục đích đó, là chúng ta có tội, giống như ta đã phạm một điều xấu khác.

Trong Thánh lễ, mọi người không quên cầu nguyện cho Anh Tân, Anh Hảo, Anh Long… và các anh em khác trong gia đình Lâm Bích được ơn chữa lành.

Và, nhân đây xin cám ơn cộng đoàn Xuân Ninh-Beaumont đã nhiệt tình ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần để những ngày họp mặt vừa qua được tươi vui và tràn đầy thương mến.

Trước khi ra về – sáng hôm 28/10, Bác Út tuyên bố chắc nịch: “Bao lâu em còn làm cha xứ ở đây, bấy lâu ở đây là tài sản của Lâm Bích. Nhà thờ, Hội trường, bếp núc, sân bãi, máy lạnh… là của chúng ta. Chỉ cần đưa trái tim đến đây thôi! Ngọn lửa này cứ đốt lên hàng năm, ngày nào còn cứ gặp gỡ nhau đi!”. Chao ôi, lời thúc dục, phấn khích đầy yêu thương đó sao cứ vấn vương mãi trong lòng.

Tam Nguyen (Dallas 04/11/2018)

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.