Chia Sẻ Về Công Tác Văn Hóa

Tâm tình của anh Cao Huy Hoàng và LM Trăng Thập Tự tới các Uỷ Viên Văn Hoá Hạt Ninh Thuận.

CÔNG TÁC VĂN HÓA LÀ MỘT ƠN GỌI

Có thể hiểu văn hóa theo nghĩa giáo hóa theo cái văn minh của mỗi thời đại, hoặc hiểu văn hóa là kiến thức, điều hiểu biết. Nền văn hóa phát triển cái văn minh và cái văn minh lại cuốn văn hóa theo chiều thuận của nó. Chúng ta đang sống trong một nên văn minh nghiêng chiều về sự chết tâm linh, một nền văn minh phục vụ quá đáng cho cuộc sống phàm trần tạm bợ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2 gọi là nền văn minh sự chết. Theo đó, công tác văn hóa của thời đại hôm nay, cũng đang giáo hóa con người cắm đầu cắm cổ chạy theo cho kịp cái văn minh của nhân loại, nhất là văn hóa ở các nước nhược tiểu, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Điều còn dễ thấy hơn nữa đối với chúng ta khi xác định điều nầy là chúng ta đang sống trong đất nước đang xây dựng một nền văn hóa không Thiên Chúa, một nền Giáo dục không Thiên Chúa.


Có lẽ chúng ta nên có một cái nhìn đúng nghĩa hơn về văn hóa: văn hoá làm cho cuộc sống thăng hoa lên đúng tầm với nhân phẩm của con người, và trong Giáo Hội, văn hóa không chỉ dừng lại ở tầm nhân phẩm con người mà phải đạt tới nhân phẩm con-người-con-Thiên-Chúa. Như vậy, công tác văn hoá là công tác của mỗi người Công giáo,  đặc biệt hơn, đối với những người có trách nhiệm với gia đình, với giáo xứ, với cộng đoàn. Vì công tác văn hoá trong đời sống mỗi tín hữu là một ơn gọi đặc biệt: ơn Tiên Tri đã được thiết lập khi nhận lãnh bí tích Rửa tội. Với ơn Tiên tri, người tín hữu có nhiệm vụ Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân bằng mọi phương tiện có thể, và làm cho con người sống đúng với văn hóa theo đường lối của Tin Mừng. Việc sử dụng ngôn ngữ hay chử viết là một công tác văn hoá, đóng một vai trò quan trọng trong công tác loan báo Tin Mừng. Việc sử dụng ngôn ngữ chử viết là một khả năng: Khả năng về Văn Học-Nghệ thuật,  một kho tàng tiềm ẩn trong mỗi con người: khả năng tiếp nhận và chuyển giao. Đối với người không tin hoặc chưa tin vào Thiên Chúa, thì có thể họ cho khả năng ấy là một phát huy tự nhiên của trí khôn con người, nhưng đối với người tín hữu, ta có thể xác tín khả năng ấy đến từ Thiên Chúa, như một quà tặng của Thiên Chúa, một Thiên Chúa Thượng Trí và Tuyệt Mỹ. Và văn học nghệ thuật chỉ có thể có giá trị và  tồn tại khi chính nó phát ra được hào quang của Thiên Chúa, ánh hào quang của Chân thiện Mỹ… văn học nghệ thuật phải thể hiện được niềm tin, Đức Tin, hay Tin Mừng, mới là một nền văn học Nghệ thuật bền vững. Nhờ đó, ta cũng có thể phân biệt được văn hoá của sự sống và văn hoá của sự chết khi văn học nghệ thuật hướng tâm hồn con người ta nhẹ nhàng thanh thoát tới những thực tại siêu nhiên hay chỉ dừng lại ở chặng đường sơ đẳng nhất của con người: phục vụ cho cuộc sống trần thế.

Thực tế hơn, chúng ta cho con cái đi học để có văn hoá. Nhưng cần phải học cái gì có văn hoá để có văn hoá. Là người công giáo việt nam, chắc hẳn chúng ta hiểu rỏ hơn ai hết về chất lượng văn hoá không Thiên Chúa trong thời đại chúng ta. Nhiệm vụ cấp thiết của mỗi người là phải bổ sung vào sự thiếu thốn ấy, vào cái không ấy, bằng một cái có niềm tin, có Thiên chúa. Thiết nghĩ, ấy là cụ thể công tác văn hoá của chúng ta hôm nay.

Chúng ta đang thừa hưởng một vốn gia sản quí giá mà cha ông ta đã để lại về văn hoá và Đức tin: trong các bản kinh cũ, các bài Vè, bài thơ tôn giáo- không chỉ là những bản kinh, mà còn là những tác phẩm văn học nghệ thuật Ki Tô giáo Việt Nam những ngày cực thịnh. Có những bài thơ như:

Em yêu Thánh cả Giuse
Là cha nuôi Chúa Hài Nhi cơ bần
Người là gia trưởng ân cần
Tận tâm giúp bạn đồng thân sớm chiều
Có khi sương giá cô liêu
Có khi tân khổ bạt phiêu đất người….

mà anh em chúng tôi vẫn thuộc nằm lòng, vì Mẹ chúng tôi vẫn hát ru chúng tôi ngày ấu thơ

Chắc chắn phải có người đã viết những bài thơ ấy, những tâm tình đạo đức ấy, viết bằng chính ngôn ngữ Việt Nam. Nhưng, có phải chúng ta đã có quá ít người dùng văn học viết về Thiên Chúa, khi chỉ có vài nhân vật đáng kể Thi sĩ Hàn mặc Tử, Thi sĩ Đức Ông Xuân Ly Băng, Thi sĩ Linh Mục Trăng Thập Tự…? Không, tôi vẫn tin rằng đã có nhiều người công giáo trong các dòng tu, các hội đoàn, các giáo xứ đã và đang sống và viết về Thiên Chúa. Chỉ tiếc một điều họ đang tản mác, và sự riêng lẻ ấy chưa được kết nối. Quả thực là chúng ta đang thừa hưởng một gia sản đáng quí,  không những chúng ta phải gìn giữ, mà còn phải phát huy hết mức có thể.

TÌNH TRẠNG ĐÓI THÔNG TIN VỀ THIÊN CHÚA

Hiện thời, ở đất nước ta, sự thiếu thốn về các phương tiện thông tin của Giáo hội là một thực trạng tồn tại hơn 30 năm, còn nhiều cái không: không còn Đài phát thanh Công giáo, Không còn trường tư thục công giáo, không còn nhà xuất bản sách công giáo, không còn thư viện công giáo v.v. Dẫu cho, các giáo xứ vẫn còn tổ chức được các lớp giáo lý cho các em, thì phòng ốc dạy giáo lý còn sơ sài, thiếu thốn, có nơi học dưới gốc cây, học trong nhà bếp của nhà xứ…và chưa nói đến việc tranh giành thời gian của các em còn phải học văn hóa trong các ngày Chúa nhật.

Mặt khác, chúng ta không thể dững dưng vô tình hay đành chịu bó tay thua cuộc trước  sự bùng nổ của mạng thông tin toàn cầu. Chúng ta cũng không thể chấp nhận một nền văn minh nhân loại chỉ hướng chúng ta đến chổ hưởng thụ những tiện nghi. Nhưng trách nhiệm của những người làm công tác văn hoá, là phải tận dụng những văn minh ấy công cuộc Loan báo Tin Mừng. Máy vi tính, internet, phương tiện in ấn, truyền thanh, truyền hình…đều là những công cụ có giá trị cho công tác văn hoá Kitô giáo, nếu chúng ta có ý hướng phát huy ơn gọi Tiên tri của mình. Có người nói, nếu vào thời Thánh Phaolô có máy vi tính, có Internet, thì chắc hẳn Ngài đã viết không chỉ 14 thư, mà có thể hàng trăm hàng ngàn thư khác, để thoả lòng yêu mến và say mê của Ngài với Tin Mừng. Giả sử ấy nói với chúng ta, những con người thời đại nầy, một lời trách yêu, một nhắc nhở…

Thực tế, lượng thông tin về kinh tế, xã hội, luật pháp…có thể nói được là quá dư thừa đến nỗi không còn chất lượng tốt. Kể cả những thông tin không Thiên Chúa hoặc chống Thiên Chúa cũng tràn lan. Trong khi đó, chúng ta vẫn đói thông tin về Thiên Chúa. Không thể đổ thừa do chúng ta đang sống trong một xã hội không Thiên Chúa, nhưng hãy tự nhận rằng chúng ta chưa thực sự phát huy ơn gọi của mình, vì chúng ta chưa trân trọng đủ, yêu mến đủ. Những thông tin về Giáo hội , về sinh hoạt các Giáo Hội Địa phương, những huấn thị, những chương trình của Giáo hội sao không thể kịp đến với Giáo dân một cách cập nhật nhất. Một phần lỗi của chúng ta, những người làm công tác văn hóa.

Về văn học nghệ thuật, người viết về Thiên Chúa thời nay, đang có phần giảm đi, hoặc vì  không tha thiết với ơn gọi Loan Báo tin Mừng, hoặc không phát huy khả năng văn học. Chúng ta không thể đứng nhìn sự tụt dốc không những về chất lượng ngôn ngữ mà còn về kiến thức Kitô Giáo của các thế hệ sau, nhất là thế hệ trẻ con cái chúng ta. Phải bắt đầu bằng một tình yêu: Yêu mến Thiên Chúa của chúng ta đang bị thế hệ nầy phủ nhận hay tránh mặt, Yêu mến Giáo Hội Địa phương của chúng ta đang đói những thông tin về Thiên Chúa, Yêu mến chính ngôn Ngữ, chử viết, Văn học Việt nam đang chung trận tha hoá với các nét văn hoá cổ truyền. Và hãy làm công tác văn hoá mới bằng cách kết hợp văn hoá việt nam và Văn Hoá kitô giáo để đưa đời sống Giáo dân lên đúng tầm Con người và Con người con Thiên Chúa.

MÔ HÌNH GỢI Ý

Để củng cố và phát triển Văn Hóa Kitô giáo trên quê hương hiện thời, trong phạm vi nhỏ, Cha Trăng Thập Tự có những đề xướng như mở Phòng đọc sách ở các Giáo Xứ, tăng cường thiết bị văn phòng cho các Ban Văn Hóa Giáo Xứ, họp mặt giáo giới công giáo, sinh viên công giáo… Tôi xin đề nghị thêm một vài công việc cụ thể, mà các Ban Văn Hóa mỗi giáo xứ, giáo hạt có thể thực hiện ngay, với lòng nhiệt tình và không quá nhiều tốn kém:

-Bảng thông tin: Có nhiều Giáo xứ có bảng thông tin  đặt ở trước tiền đường, có những bảng rất lớn. Trong bảng thông tin ấy, có những thông báo của Cha xứ, của Hội Đồng, nhưng đặc biệt hơn là còn có rất nhiều thông tin về Giáo Hội được cập nhật qua mạng internet công giáo như vietcatholic, dunglac, chungnhanduckito, hiepthong,  và được tải xuống, có cả bài viết và hình ảnh sống động, có cả những bài suy niệm, cả những bài văn, bài thơ tâm tình đạo đức. Bảng thông tin thay đổi nội dung hàng tuần, hoặc hàng ngày nếu có những đề tài thời sự Giáo Hội nóng hổi. Giáo dân chung một nhịp thở với Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu, qua những trang tin mới nhất- sẻ chia cùng nỗi đau của Mẹ trước vụ tượng bị đập ở Đồng Đinh, vui mừng với Giáo hội Việt Nam được đón tiếp phái đoàn Tòa Thánh, chẳng hạn, hoặc có thêm những suy niệm sống Tin mừng ngày Chúa nhật qua những bài suy niệm v.v. Tôi thấy đây là việc làm thật hữu ích. Ở một số nơi, Cha sở hoặc Cha phó làm việc nầy, nhưng thiết nghĩ, một ủy viên văn hóa có thể giúp các Ngài một cách có hiệu quả.

-Bích Báo, còn gọi là Báo Tường: Tôi biết, ở Giáo Xứ Thanh xuân(trước là Giáo xứ của Đức Ông Lê Xuân Hoa, nhà thơ Xuân Ly băng), Giáo xứ Tuy Hòa (trước là Linh Mục Thi sĩ Xuân Văn, nay là Linh Mục Nhạc Sĩ Sơn Ca Linh) và nhiều giáo xứ khác đã và đang thực hiện những tờ bích báo, hàng tháng, hàng tuần. Có những bài viết về Chúa của các Cụ Ông, Cụ Bà đang thích sống và viết những cảm nghiệm đã trải qua trong cuộc sống và cuộc sống đức tin. Không thiếu những người lớn tuổi còn viết được những tâm tình hay, những tác phẩm hay. Có những bài viết của những người đang sinh hoạt trong các Hội đoàn Gia trưởng, Liên Minh Thánh Tâm, Gia  đình Phạt Tạ, Huynh Trưởng, Giáo Lý Viên, Legio, Cựu Chủng Sinh….. thật xúc tích. Già trẻ lớn bé đều đang chia sẻ cho nhau những trải nghiệm về đức tin qua chính ngôn ngữ, văn hóa của mình, làm thành một nhịp sống thiêng liêng thật linh động trong cái Giáo xứ nhỏ bé thân yêu của mình. Có nơi Cha sở và Hội đồng vận động viết về Chúa, tổ chức thi đua và khen thưởng. Thoạt đầu, khi chưa quen, có vẻ khó khăn lắm, nhưng rồi, khi đã bắt đầu nhen nhúm được- một người, hai người, năm bảy người, hội đoàn nầy tham gia, hội đoàn kia tham gia- thế là bắt đầu có phấn khởi.và hầu như tất cả các bài đều được lên trang bích báo- không chê, không bỏ bài nào- cả làng vui vẻ quá. Bài vở gửi về được Ủy Ban Văn Hóa viết lại cách trân trọng, rỏ ràng, to đẹp…để người đứng ở đằng xa vài ba thước vẫn còn đọc được

-Báo Tay: Có lần Đức Ông Xuân Ly Băng kể cho tôi nghe những ngày tuổi thơ của Ngài: Ngài ghiền đọc tờ “Đường Ngay” của Địa Phận Vinh và tờ “Vì Chúa” của Địa Phận Huế. Cách đây đã 70 năm, mà Ngài vẫn còn nhớ như in: giấy hẩm đen, mỏng thôi, nhưng có nhiều bài rất giá trị, để lại trong Ngài những dấu ấn đậm nét. Từ trang thông tin và trang bích báo, một Ủy Viên Văn Hóa có thể chọn ra một số bài đặc biệt để làm thành một tờ báo cầm tay với khoảng non 20 trang A5 ( chừng 4 hoặc 5 tờ A4), và phát hành hàng tuần hoặc hằng tháng tại cuối nhà thờ, khi tan lễ, với giá vài ngàn đồng lấy lại vốn- thiết tưởng việc ấy không quá khó với phương tiện in ấn hiện đại, nhưng đem lại hiệu quả cao: Mọi nhà biết thông tin xứ đạo, thông tin Giáo Hội và nhận được những sẻ chia về đời sống Đức Tin của người khác hoặc của anh em trong cùng một Giáo xứ.

-Hội Thi Viết Về Chúa: khi đã có những sinh hoạt văn hóa đức tin ở các Giáo xứ, các Liên Xứ hay Giáo Hạt có thể tổ chức những cuộc Hội Thi Viết Về Chúa, làm thành một sinh hoạt Văn Hóa Công Giáo hằng năm thật ý nghĩa. Và chính trong những sinh hoạt nầy,  chúng ta có cơ may tìm được những hạt nhân mới, những tác phẩm mới cho vinh danh Chúa cách sống động trên chính Giáo Hội địa phương mình.

Xin Chúa thương chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Kính chúc quí Cha, quí anh em nhiều hồng ân Chúa trong Mùa Chay Thánh.
pmcaohuyhoang