Trong đời, tôi đã dự nhiều Thánh Lễ Hôn Phối. Tôi thích bài đọc sách Tobia: “buổi tối hôm thành hôn, hai người tâm sự: “ chúng ta là con cháu của các thánh, chúng ta không thể kết bạn như những người chư dân, họ không nhìn biết Thiên Chúa”….”và giờ đây, thân lạy Chúa, Chúa biết rằng không phải vì lý do sắc dục mà tôi cưới lấy cô em đây làm vợ, song chỉ vì mến yêu dòng dõi của những người biết ca tụng danh Chúa tới muôn đời”
Ôi tình yêu vợ chồng tuyệt đẹp và thánh thiện:
“không thể lấy nhau như chư dân”: Bí tích hôn phối làm cho việc phối ngẫu giữa hai người nam nữ mang tính hợp pháp.
“không vì nhan sắc, không vì dục tình” : nói lên tính thánh thiện của hôn nhân Kito giáo.
Nhưng, nhân Lễ Thánh Gia, Gia Đình Thánh Thiện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhìn lại đời sống hôn nhân của tôi và của chúng ta hôm nay, tôi có đôi điều trăn trở.
1. Tính hợp pháp của Bí tích hôn nhân bị lạm dụng.
Không ít đôi vợ chồng, không kể là trẻ hay già, ngay từ khi mới cưới nhau đã lầm tưởng Bí tích hôn phối như là một cách hợp pháp hóa đời sống tính dục, nhất là ở những cặp vợ chồng được học hiểu quá ít Giáo Lý Bí Tích Hôn Phối Ki tô giáo. Nền tảng về đức tin, về lòng đạo đức cũng không vững chắc, nên bị cuốn hút vào sự sa đọa ngay trong đời sống vợ chồng. Vợ chồng tìm đến nhau không còn là để củng cố tình yêu hôn nhân, không còn với mục đích sinh ra cho đời những con người ca tụng Chúa, mà chỉ là thỏa mãn những dục vọng thấp hèn. Cứ nghĩ là đã có Bí tích Hôn Phối bảo kê, họ không còn phạm tội điều răn thứ sáu nữa. Trong khi đó, họ không biết rằng, hoặc họ quên rằng, họ đã liên tục phá hủy sự trong sạch vợ chồng, dẫn đến việc phạm tội điều răn thứ sáu ngay với vợ với chồng của mình, liên tục hạ thấp giá trị bí tích hôn nhân và biến bí tích hôn nhân thành một lá bùa tôn giáo vững chắc đến nỗi không một tòa án tâm linh nào có thể buộc tội được. Mà không buộc tội được thì không có tội gì mà không tiếp tục thao túng một cách theo họ nghĩ là hợp pháp. Không được mấy đôi vợ chồng có vài phút đọc kinh, cầu nguyện với nhau như Tobia và Sara trước giờ chăn gối, để hiến dâng giờ phút linh thiêng ấy, mầu nhiệm ấy cho Thiên Chúa, và xin Ngài chúc phúc; thậm chí còn, biến giờ phút mà hai con người đồng hình đồng dạng với nhau ấy thành giờ của những hưởng thụ tự trong thâm tâm riêng tư của mỗi người, bằng mọi phương cách có thể. Hưởng thụ vì sợ trách nhiệm hoặc một cách vô trách nhiệm, hoặc không thể chấp nhận kết quả của tình yêu đích thực là một bào thai, một đứa con. Trong họ không có tình yêu đích thực.Và còn tệ hơn thế nữa, vì nghĩ đến cái ích kỷ tư riêng của mình, nên nếu không đạt được đỉnh điểm khoái lạc thấp hèn, thì sự hòa hợp trở nên vô nghĩa và nhàm chán. Cứ tiếp tục một cuộc sống vợ chồng, với Bí tích Hôn nhân Ki tô giáo như thế, mà lương tâm vẫn thản nhiên nghĩ là không có tội tình gì, vì đã có “phép hôn phối”. Thế là “phép” Hôn Phối đang bị lạm dụng khắp nơi, trong các gia đình già cũng như trẻ, thành phố, thôn quê, không có đạo đã đành, người có đạo có khi còn tệ hơn nữa. Một cách nào đó, những học thuyết chống Thiên Chúa đã thành công từ trong cỏi sâu thẳm nhất của con người: Lương tâm.
Và như vậy, sự thánh thiện của Bí tích cũng bị bỏ quên hay cố tình gạt bỏ ra ngoài ý hướng của vợ chồng. Có những bà vợ, những ông chồng, thoạt đầu mới sống đời vợ chồng, ảnh hưởng Giáo Lý và tính thánh thiện còn phong phú lắm, nhưng rồi, không tăng cường trau chuốt những giá trị siêu nhiên ấy, cùng với việc sợ trách nhiệm, sợ tốn kém thời gian tiền bạc nuôi con, sợ đau đớn, sợ mất sức khỏe, mất nhan sắc… đã làm cho giảm dần ý thức thánh thiện ấy. Mặt khác, thẩm thấu ảnh hưởng của xã hội về kế hoạch hóa gia đình- các phương thức phương tiện để hưởng thụ trọn vẹn, ảnh hưởng từ phim ảnh tình cảm xã hội, từ cuộc sống thoải mái của những chị em bạn bè , đã tặng cho các gia đình một ‘túi khôn” theo kiểu của duy vật chủ nghĩa. Không còn sự thánh thiện nguyên thủy của Bí tích hôn nhân, hạnh phúc gia đình hẳn nhiên sẽ mong manh, dễ vỡ tan, vì không có một nền tảng đạo đức và tình yêu đích thực trong cuộc sống gia đình.
2. Trào lưu “tìm lại chính mình”
Chúa Giêsu Ki tôdạy phải “từ bỏ mình”. Và quả thật, trong đời sống đạo đức, chỉ có việc “từ bỏ mình”, mới đạt đến điều kỳ diệu là đồng hình đồng dạng với Chúa Ki tô. Và trong đời sống Hôn Nhân Ki tô Giáo, khi đã đồng hình, đồng dạng với Chúa Giêsu Ki tô, thì như một suy luận toán học, cả ba: Chúa Ki tô, vợ và chồng đều hiệp nhất với nhau nên một trong mối tình thật thắm thiết. Họ đang là một. Không phải là hai thành một, mà là cả ba thành một. Sự tan hòa thánh thiện không còn bị chi phối bởi bất kỳ một dị biệt nào về phái tính, về suy tư, về đam mê khuynh hướng…Vì họ đang hoàn toàn bỏ cái riêng của chính mình, để làm thành một cái chung duy nhất, đó là Hạnh phúc Gia đình. Không thiếu những đôi vợ chồng đã gắn bó với nhau nhiều năm, tan hòa trong nhau, trong Chúa, trong niềm hạnh phúc thật thánh thiện…
Nhưng, tiếc thay, bài học “khôn” của bạn bè, của xã hội khi chủ trương như thế là đã đánh mất chính cả cuộc đời mình cho chồng, cho vợ cho con…như cơn cám dỗ ngọt ngào và hữu lý. Và họ bắt đầu “tìm lại chính mình”. Tìm lại sắc đẹp khi da đã chớm nhăn: có Olay, có thuốc chống nắng, có thẩm mỹ viện; tìm lại sức khỏe: có đủ loại thuốc bổ, thức ăn bồi dưỡng…, tìm lại thời gian rảnh rổi, ngay cả tìm lại sự hưng phấn cần thiết…tất cả đều có thể tìm lại. Thiết nghĩ, việc làm đẹp, duy trì sức khỏe…vì hạnh phúc gia đình, vì chồng , vì vợ, vì con thì vẫn là một việc tốt lành. Nhưng xét cho kỷ, thì thực ra, mục đích chính trong việc “tìm lại chính mình”, là để khẳng định mình có quyền lo cho cái riêng tư của mình đã đánh mất sau một thời đã cống hiến cho chồng cho vợ cho con.
Và cũng bắt nguồn từ trào lưu “tìm lại chính mình” ấy, đã gây nên bao nhiêu xáo trộn trong đời sống gia đình. Người bạn đời không còn là mẫu người lý tưởng, không còn làm cho cái riêng tư của mình được thỏa mãn. Thế là bắt đầu một chương trình “hướng ngoại”. Cùng với các phương tiện hiện thời, như điện thoại di động, xe riêng lớn nhỏ, cà phê đèn mờ, khách sạn nhà nghỉ nhà trọ khắp nơi, chương trình hướng ngoại để “tìm lại chính mình” mau chóng đạt kết quả như ý. Tuổi nào cũng có xu hướng hướng ngoại. Nhiều nhất là ở độ tuổi 40 của cả vợ, lẫn chồng. Lời hứa thủy chung không còn mấy quan trọng. Vẻ hiền thục, nét nhu mì của một Việt nữ ngày xa xưa không còn nữa, đổi lại, là sự quyến rủ cùng với phong cách rất mới khẳng định rằng mình cũng biết sống hợp thời. Từ việc đua đòi mua sắm các phương tiện, tiện nghi, đua đòi tân trang nhan sắc, đến việc đua đòi bằng chị bằng em-không chấp nhận mình là quê mùa, đã dẫn đến bao cuộc tình vụng trộm. Những biện pháp tránh thai mà xã hội cao rao đề xướng, một cách nào đó đã bảo kê an toàn cho những cuộc truy hoan ngoài hôn nhân, để việc tìm lại chính mình càng có hiệu quả thoải mái.
Tôi không lạ gì những câu nói vừa trào phúng vừa lột tả cái thực tế công cuộc “tìm lại chính mình” như:
-“Hai vai hai núi đàn ông,
gánh qua phố chợ phiêu bồng hoan du
chồng em vừa “điếc” vừa “mù”
ngu gì chịu cảnh ở tù trăm năm?”
-“Chồng/vợ là địch, bồ là ta,
chiến sự xảy ra, ta về với địch,
nằm trong lòng địch, lại nhớ về ta”
-“Chồng ta tuy xấu tuy già,
nhưng là đặc sản của bà nhà bên”
-“Vợ ta tuy xấu tuy già,
nhưng là tiên nữ của nhà xóm trên”
Chuyện ngoại tình trong thời đại hôm nay ở đất nước Việt Nam hầu như “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong gia đình tôi, trong gia đình bạn, trong tất cả gia đình công giáo chúng ta, nơi nào cũng có nguy cơ xảy ra tai nạn đau thương nầy, nếu không có một nền tảng đạo đức bền vững. Sự dữ và những diễn biến xấu có ngay từ trong não trạng của mỗi con người đang sống trong một xã hội đầy dẫy những chủ trương “thoải mái” với trào lưu “tìm lại chính mình” đang lên cơn sốt dữ dội. Tôi còn nhớ một định nghĩa: Con người là một hữu thể gồm một nửa cái “con”, và một nửa cái “người”. Trào lưu “tìm lại chính mình” đang tìm lại nữa cái “con”đã mất! Nên chăng, thiết lập lại một tinh thần đạo đức trong đời sống vợ chồng: duy trì sự thánh thiện của hôn nhân, bất kỳ ở tuổi nào, giai đoạn nào, là việc thật cấp bách.
3. Phá vỡ sự thánh thiện của Hôn Nhân Công Giáo và hạnh phúc gia đình là tiếp tay vào việc chống lại Thiên Chúa.
Vâng, tôi nghĩ vậy, vì chúng ta đang sống trong một đất nước theo chủ nghĩa xã hội, với học thuyết duy vật và vô thần. Người vô thần chung quanh ta đang chủ trương không có Thiên Chúa, không có đời sau, và thiên đàng chính là sự giàu sang phú quí, khoái lạc ở trần gian nầy. Người công giáo Việt nam ít nhiều đã thẩm thấu tư tưởng học thuyết vô thần nầy, và không những thẩm thấu, mà còn tiếp tay vào công cuộc rao giảng cho chủ trương chống lại Thiên Chúa. Con số hồ sơ xin ly dị, ly thân ở tòa đời đã đành, mà ngay tòa đạo mỗi ngày mỗi chồng cao lên mà không thể giải quyết nỗi. Việc phá thai giết người hàng loạt mỗi ngày tại các bệnh viện đâu do chỉ những người vô thần, mà không có những người công giáo đó sao? Tôi nghĩ Trung tâm Bảo Vệ Sự Sống có đầy đủ thống kê về điều nầy.
Các vợ chồng công giáo có bao giờ nghĩ rằng mỗi lần chúng ta bỏ đi một thai nhi là một lần chúng ta đã bằng lòng bước qua thập giá? Cuộc bách đạo- tạm gọi là cuộc chống lại Thiên Chúa- thời nay không còn thô sơ đơn giản như thời xưa, nhưng tinh vi hơn nhiều. Không ai cấm chúng ta đến nhà thờ đọc kinh dự lễ, không cấm chúng ta xây dựng nhà thờ, tổ chức các cuộc lễ hoành tráng, không bắt bỏ tù, đánh đập tra tấn, hành hình hay trảm quyết…nhưng là mời gọi các gia đình công giáo sống tinh thần thế tục, tinh thần “không thiên Chúa”, bằng những chủ trương rất dẽ thương, rất hợp lý. Một trong những chiến công hiển hách của chế độ vô thần là đã làm cho nền tảng thánh thiện của hôn nhân Ki tô Giáo lung lay tận gộc rễ. Đó là tín hiệu của một thế hệ vô thần sẽ được sinh ra và bành trướng trong tương lai trên đất nước nầy. Do đâu? Tôi nghĩ, “không ai làm ta mất tự do, chỉ vì ta bằng lòng làm nô lệ”
4. Sống Đạo: sống đời sống Hôn Nhân Thánh Thiện
Là cha mẹ trong các gia đình công giáo hôm nay, chúng ta chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về cuộc sống đức tin của con cái. Các đôi trẻ thời đại mới có những quan niệm mới về cuộc sống lứa đôi, trong đó có những quan niệm tốt, nhưng không thiếu những quan niệm mang tính “chống lại Thiên Chúa”- việc sống thử yêu thử, việc tự do luyến ái, việc không cho thụ thai bằng các phương pháp không tự nhiên chẳng hạn. Cách sống mà lề luật của Thiên Chúa bị xem nhẹ, nhường chổ cho một cuộc sống dễ dải thoải mái hơn đã phát nguồn từ trong gia đình chúng ta, nhất là những gia đình có tuổi hôn nhân ba mươi năm trở lại đây, hôn phối sau ngày giải phóng. Đã đến lúc mà xã hội đang khẩn trương chấn chỉnh những thiếu sót để kịp hội nhập với thế giới. Giáo hội cũng luôn mời gọi sám hối và canh tân. Thiết nghĩ, các gia đình công giáo cần thiết thực đáp lại lời mời gọi SỐNG ĐẠO 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bằng việc khẩn trương thiết lập lại tính Thánh Thiện của Hôn Nhân Ki tô Giáo ngay trong các gia đình, các họ đạo, các giáo xứ.
pmcaohuyhoang 30-12-06