Người Nghèo, Có Phúc

Thực tại của công cuộc cứu độ đã bắt đầu biểu lộ, hôm nay, nơi đoạn Tin Mừng Theo Thánh Luca 6,20-23, nhưng thiết nghĩ, cần đọc cho đến hết câu 26 mới rõ trọn vẹn thông điệp của một tuyệt phẩm, với những vế đối xứng. Việc ấy của các nhà chú giải.

Điều làm cho tôi suy nghĩ nhiều nhất là: những lời giảng dạy của Chúa Giêsu hôm nay, càng ngày càng trái ngược với tinh thần nhân loại: làm giàu vật chất.

Sức cuốn hút của vật chất thời nay mãnh liệt đến nỗi làm cho con người ta ra xa lạ với ơn Cứu độ, với cuộc sống vĩnh cửu, và chỉ có một mối thân tình là hiện tại và hưởng thụ.

Nhớ những ngày sau biến cố 1975, ở Việt Nam, nhiều cửa nhà thờ đóng chặt, nhưng hằng triệu cánh cửa tâm hồn mở ra, sốt sắng, trông cậy, khao khát. Những nhà nguyện tranh tre, vách đất, không đủ chứa một câu hát, một lời kinh, mà thật là vĩ đại, vì niềm tin của một cộng đoàn người nghèo cháy lên rập ràng sốt sắng giữa một góc núi rừng còn khét mùi khai nương, đốt rẩy. Một Linh Mục quản xứ lấy làm tiếc, nói: “ Chưa có điện, thì trông cho có điện. Có điện rồi, nhà thờ sáng lên rồi, thì trông cho có người đi lễ”, vì ai nấy đều ở nhà xem ti vi- ti vi mới sắm, nhờ có điện. Không chỉ ở các thành phố, mà ngay ở các giáo xứ vùng quê hôm nay, cũng đã bắt đầu ít người đi lễ, đi đến nhà thờ, đọc kinh, cầu nguyện. Mỗi lễ sáng lễ tối có khi được năm bảy chục người, chỉ toàn là ông bà già- thỉnh thoảng có thêm vài ông chức việc trong giáo xứ…Có ông già than thở: “Ngày ấy nghèo khổ biết bao nhiêu, mà người đông như kiến tổ; chừ làm ra giàu ra có, nghe chuông đổ, ngủ khò”. “Hồi còn nghèo còn khổ, nửa củ khoai sùng cũng chia nhau, chừ ra giàu ra có, nhà ai cũng xây rào”. “Hồi còn nghèo còn khổ, không thấy họ cãi nhau, chừ ra giàu ra có, nghe chén đĩa lào xào”

Nếu chỉ xét đến mặt nhân bản thôi, thì sống trong cảnh nghèo khổ mà yêu thương, hiệp nhất, mà biết chia sẻ cho nhau, mà bái ái, vị tha rộng lượng… thì rỏ là con người ta có giá trị hơn khi giàu có mà ích kỷ, hơn thua, xâu xé, thậm chí còn đánh mất đi những hạnh phúc tuyệt vời: Hạnh phúc gia đình. Và khi xét đến đời sống đức tin, thì rõ ràng là tiếng nói của ông chủ vật chất đang có một uy quyền đáng ngại. Sự đua đòi theo nhịp sống phương tiện, tiện nghi không miễn trừ cho bất cứ thành phần nào trong xã hội, trong giáo hội. Và khi đã thực sự có một đời sống trần gian tương đối thoải mái, thì Thiên đàng và cuộc sống vĩnh cửu được xem như là một tai họa cướp đi những ngày đời êm ả.

Nghèo hay giàu, phúc hay họa, đồng ý là, tùy thuộc vào cách sử dụng của cải vật chất trần gian, nhưng thực tế nguy cơ nghiêng hẳn về sự giàu có. Vì sự giàu có có thể mua được tất cả thực tại trần gian, và khả năng mua được những giá trị vĩnh cửu cũng không kém, nhưng chỉ tiếc là, người ta có chấp nhận mua những thực tại chỉ thấy được bằng con mắt đức tin: lòng bác ái thật- lòng bác ái vì yêu người như mến Chúa, lòng bác ái vô vị lợi.
Chúa chúc phúc cho những người bây giờ đang nghèo, đang đói, đang đau khổ khóc lóc, đang bị sỉ vả, bị khinh khi xem thường…

Tôi không tìm cách để dành cái “hơn” cho người nghèo, vì Chúa đã nói là “phúc”. Mà cái phúc ấy, không dễ chấp nhận tí nào, nếu không nhìn vào cuộc đời của Chúa và của trần gian mà suy gẩm. Sinh trong máng chiên lừa, con ông Giuse thợ mộc mà giàu có gì đâu? Nhưng thật ra là một người giàu, một Thiên Chúa uy quyền, cao sang và thượng trí… Chính Ngài chấp nhận cuộc sống nghèo hèn, để từ thân phận nghèo hèn thấp bé ấy cho chúng ta biết con đường về với sự Giàu Có của Thiên Chúa, về với Thiên Chúa Giàu có. Nhìn vào những mảnh đời  được cho là bất hạnh, nhưng ai tìm thấy được vẻ cao sang tuyệt vời trong họ. Một anh chạy xe ôm, nằm trên chính chiếc xe của mình, bên vỉa hè dưới chân khách sạn, ngủ bình an một giấc tới bình minh. Một người hành khất, dốc túi tiền ngày qua kiếm được, ngước lên tạ ơn Phật, tạ ơn Trời, lăn ra gầm cầu “hò kéo gỗ”. Mấy người chúng tôi ở nhà quê, sau một ngày đẫm bùn trên ruộng, về nhà,  nghe những ngọn lúa đang cười trong đêm, tôi mừng, tạ ơn, ngủ”. Như thế, không hẳn là người nghèo không đau khổ đâu, nhưng “em đã quen đau khổ rồi, đã quen nợ nần rồi, đã quen bị khinh bỉ rồi, đã quen cay đắng cuộc đời rồi” và “đau khổ làm gia vị cuộc đời em thơm ngát”.

Vâng, với tôi,  những đau khổ của người nghèo là loại thuốc ướp tẩm xác cao cấp nhất, mà người giàu chưa chắc có được.  Loại thuốc ướp tẩm thân xác Chúa Giêsu Tử nạn và Chúa Giêsu Phục Sinh. Ấy vậy, Chúa đã bảo mà:“Nước Thiên Chúa” sẽ thuộc về những người nghèo. Họ sẽ được no thỏa. Họ sẽ được vui cười. Họ sẽ được phần thưởng.

Hơn thế nữa, người nghèo của Thiên Chúa được nhắc nhiều trong kinh thánh, với ý nghĩa là người biết mình “hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa”: Lý trí, sự thông hiểu, tâm hồn và thân xác… tất cả cuộc sống con người là của Thiên Chúa ban cho, không có gì là của riêng mình, không có gì để khoe khoang tự phụ- kể cả sự giàu có. Vì thế “tinh thần nghèo khó” là hương hoa thiêng liêng của một tâm hồn , trong đó, “đức khiêm nhường” chiếm vị trí số một. Kế đến là lòng “tri ân”. Chỉ có người có tinh thần nghèo khó, mới xác tín được “tất cả là hồng ân” để mà “tri ân”. Thế thì, người giàu có vật chất ở trần gian nầy không thể nói là không có cơ hội.  Vì “tinh thần nghèo khó” cũng chưa hẳn là của người nghèo khó, hay người nghèo khó được ưu tiên. Có biết bao người giàu có đang sống “tinh thần nghèo khó” rất đáng trân trọng.

Trở lại với tình hình phát triển kinh tế của Đất nước, từ sau biến cố 1975, và nhất là giai đoạn nầy, cùng với Lời Chúa hôm nay, Chúa nhật thứ 6 thường niên, thiết tưởng, tôi và bạn, chúng ta cùng nhìn lại “sự nghèo khó” và “tinh thần nghèo khó” của chính mình, để chọn lựa cho mình một giá trị siêu việt nhất.

Xin cho chúng con biết làm giàu của cải vật chất, nhưng không bị chính của cải ấy ràng buộc. Ngược lại, xin cho chúng con biết dùng của cải ấy, mà tạ ơn Chúa, bằng những việc lành, việc thiện, việc bác ái.

Xin cho chúng con biết chấp nhận những thiếu thốn của cải vật chất ở đời nầy, và nhận ra Thánh Ý Chúa là muốn cho chúng con được muôn vàn kho tàng vĩnh cửu trong Nước Chúa.

Xin cho chúng con biết chấp nhận mọi đau khổ, thử thách trong những ngày trần gian, nhờ biết kết hiệp với đau khổ của Chúa trong cuộc tử nạn, và luôn hy vọng được cùng Chúa Phục sinh.

pmcaohuyhoang