Những Khúc Quanh Trên ĐƯỜNG HY VỌNG

Ong NOi

   Đức Tổng Giám mục FX. Nguyễn Văn Thuận vắn tắt tự thuật về quãng thời gian, trước khi cuộc đời ngài phải uốn lượn theo những khúc quanh bất ngờ:

      – Lúc tôi còn là linh mục sinh viên ở Roma, có người đã bảo tôi : "Đức tính lớn nhất của bạn là hăng say nhiệt tình, còn tính xấu tệ nhất là hay tấn công."

       Dù thế nào đi nữa, tôi là một người ham hoạt động : Hướng đạo sinh, tuyên úy tráng đoàn La Vang, cắm trại trên núi Bạch Mã…Một tư tưởng thúc bách tôi mỗi ngày : Phải chạy đua với đồng hồ ! Làm tất cả những gì có thể được để củng cố và phát triển Giáo Hội trong Giáo phận Nha Trang, trước khi thời gian khốn khó xảy đến, khi phải sống dưới chế độ Cộng sản.

      Trọng tâm hoạt động của tôi là huấn luyện nhân sự : Gia tăng đại chủng sinh từ 42 đến 147 trong tám năm, gia tăng số tiểu chủng sinh từ 200 đến 500 trong bốn chủng viện ( Chủng viện Sao Biển, Cv. Chúa Chiên Lành, Cv. Lâm Bích và Cv. Tinh Hoa ), tu nghiệp các linh mục trong 6 giáo phận của giáo tỉnh Miền Trung, phát triển và huấn luyện các phong trào thanh niên, giáo dân, các hội đồng giáo xứ, mục vụ…Tôi rất quý mến giáo phận đầu tiên của tôi là Nha Trang.

      Giờ đây, tôi phải đi vào Sài Gòn ngay lập tức, theo lệnh Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm. Không kịp từ biệt những ai đã từng hiệp nhất với tôi trong cùng một lý tưởng, cùng một quyết tâm, cùng chia sẻ hân hoan và thử thách.

      Đêm ấy 7/5/1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha Trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã thổn thức trong tám năm ở Nha Trang, vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Đức Thanh Cha. ( Cf. 5 Chiếc Bánh & 2 Con Cá )

      Đức Tổng Giám mục FX. Nguyễn Văn Thuận nhớ lại một dấu chỉ của ngài trong bài giảng tĩnh tâm mùa chay năm 2000, cho Đức Thánh Cha Yoan PhaoLô II và Giáo Triều Roma :

      – " Tôi muốn kể lại đây một sự kiện trong đời tôi. Hồi năm 1957, khi học tại Roma, tôi đã đi Lộ Đức để cầu nguyện với Đức Mẹ. Trước hang đá, tôi đã suy niệm lời Mẹ nói với thánh nữ Bernadette :" Mẹ không hứa cho con các niềm vui và an ủi trên trần gian này, nhưng các thử thách và khổ đau." Tôi đã có cảm tưởng rằng các lời đó cũng được nói với tôi. Và tôi chấp nhận sứ điệp đó với ít nhiều sợ hãi.

      Trở về Việt Nam, tôi đã làm giáo sư, rồi giám đốc chủng viện, tổng đại diện và sau cùng giám mục Nha Trang năm 1967. Có thể nói rằng công viêc mục vụ của tôi gặt hái nhiều thành công. Tôi trở lại Lộ Đức mỗi năm và tôi thường tự hỏi :" Có lẽ các lời Đức Mẹ nói với chị Bernadette không dành cho tôi đâu ?" Nhưng rồi năm 1975 đã đến: Tôi bị bắt vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bị tù, bị biệt giam. Và tôi nhận ra rằng, Đức Mẹ đã muốn chuẩn bị cho tôi ngay từ năm 1957 ! ( Cf. TGM FX. Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng )

ĐƯỜNG CONG THỨ NHẤT

Tiếng Gọi


 
  Đức cha FX. Nguyễn Văn Thuận đã được Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henry Lemaitre thông báo việc bổ nhiệm Tổng Giám mục phó Sài Gòn có quyền kế vị, từ ngày 24/4/1975.

      Ngay từ tối 8/5/1975, khi việc bổ nhiệm này mới còn là tin đồn ở Sài Gòn, một phái đoàn gồm 6 linh mục đã lên gặp Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, trình bày lý do cho thấy một việc bổ nhiệm như vậy không thích hợp với hoàn cảnh. Sáng ngày 9/5/1975, có 20 linh mục ký tên vào một văn thư " đồng kính gửi Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận",  xin giữ nguyên vị trí cũ trong hàng ngũ các giám mục, cho tới khi Roma có những phúc trình đầy đủ của Việt Nam sau ngày giải phóng. Nhưng mặc dù Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã quả quyết với phái đoàn linh mục đưa văn thư tới, là việc Giám mục Thuận về Sài Gòn sẽ không xảy ra, thì đột nhiên, ngày 12/5/1975, Giám mục Thuận được chính thức công bố làm Tổng Giám mục phụ tá Sài Gòn với quyền kế vị, và làm lễ ra mắt trước 12 vị linh mục hạt trưởng và sau đó, trước đông đảo giáo dân được hô hào đi hành hương Đức Mẹ Fatima tại Bình Lợi, và làn sóng chống đối dậy lên sôi nổi.

      Ngay tối ngày 12/5, một phái đoàn gồm 10 linh mục đã đội mưa đến gặp hai vị Tổng Giám mục chính và phó tại nhà cơm Đại Chủng viện thánh Yuse, để xin xét lại vấn đề. Sáng 13/5, một phái đoàn đông đảo giáo dân thuộc các phong trào Công giáo trẻ đã tụ họp tại Tòa Tổng Giám mục, yêu cầu Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận từ chức. Sáng ngày 14/5, phái đoàn kéo tới Tòa Khâm Sứ, được coi là có trách nhiệm trong việc bổ nhiệm này, đưa thỉnh nguyện thư, mang chữ ký của 13 đoàn thể Công giáo trẻ, yêu cầu ông : từ chức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn và ra khỏi Việt Nam ngay .  Và để làm một cử chỉ tượng trưng, phái đoàn đã dồn Khâm sứ Henry Lemaitre ra khỏi khuôn viên Tòa Khâm Sứ. Tối ngày 3/6, phái đoàn giáo dân trên lại đến Tòa Khâm Sứ lặp lại lời yêu cầu một lần nữa và phái đoàn đã ở lại đó một đêm.

      Đối với những người chống việc đưa Giám mục Nguyễn Văn Thuận về Sài Gòn thì : với cuộc giải phóng, miền Nam Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, những nhân sự quá dính líu với chế độ cũ, không còn thích hợp nữa.  " Nay thì các thế lực tiền bạc và đế quốc đã bị quét sạch trên đất nước này : Nhân dân ta đã bắt đầu những trang sử mới. Muốn thích nghi với hoàn cảnh mới đó, Giáo hội Công giáo phải chứng tỏ mình có thể đổi mới : Xưa  kia, dưới chế độ Mỹ Thiệu, Giáo hội không dám cưỡng lại áp lực của hoàn cảnh, nên đã phản bội với Dân tộc, với Tin Mừng, nhưng nay thì hoàn cảnh đã thay đổi, Giáo hội có thể tự do trở về với Tin Mừng và Dân tộc. Một trong những điều kiện tiên quyết của sự đổi mới này là đổi mới nhân sự, đổi mới lề lối lãnh đạo: Những giám mục và linh mục dính dấp quá nhiều và lộ liễu với Mỹ Thiệu phải rút lui vào bóng tối." ( Cf. Tâm thư số 3 của tám đoàn thể Công giáo ), và cũng đối với những người này, Giám mục Nguyễn Văn Thuận là một trong số những người phải rút lui vào bóng tối đó. Bức tâm thư trên trích lời của linh mục Thanh Lãng đã thổ lộ với Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Giám mục Nguyễn Văn Thuận, tại nhà cơm của Đại Chủng viện SàiGòn tối ngày 12/5/1975 và đã được chính linh mục Thanh Lãng ghi lại trong một bản quay ronéo, về Giám mục Thuận : "Là họ hàng nhà Ngô, Đức cha vẫn được hay bị nhìn là chống Cộng cùng mình. Và việc làm của Đức cha trong mấy năm qua cũng chứng minh điều ấy. (…) Mặc dầu không lên tiếng hò hét ủng hộ ông Thiệu, Đức cha cũng vẫn được coi như là tích cực ủng hộ hậu thuẫn cho chính sách của Thiệu bằng mọi hình thức tinh vi tế nhị:

      – Lập Đảng Nhân Xã, để Ngô Khắc Tỉnh, Trương Công Cửu, người chế độ cũ hoạt động ủng hộ Thiệu.

      – Tổ chức COREV, nhận tiền viện trợ khắp nơi, với sự tiếp tay của Mỹ và ông Thiệu, để giành dân lấn đất với Cộng sản.( 1 )

      – Lập và tổ chức sinh hoạt " CÔNG LÝ HÒA BÌNH" ( 2 ) mà mục đích khác xa khá nhiều đối với Ủy ban Công Lý Hòa Bình của Tòa Thánh. Phong trào Công Lý Hòa Bình của Đức cha đào tạo cán bộ để chống Cộng chứ không phải để bênh vực CÔNG LÝ và đòi hỏi HÒA BÌNH: Chứng cớ là Đức cha là giám mục đặc trách Hòa bình và Công lý, vậy mà khi cả nước đòi hỏi Hòa bình, phản đối những việc Thiệu vi phạm Hòa bình, Đức cha im tiếng,  khi Thiệu bắt hàng ngàn nhà chính trị, khi Thiệu đánh đập nhân dân ngoài đường phố, khi Thiệu bắt hàng vạn sinh viên, v.v…mọi giới đều đau đớn, hãi hùng lên tiếng, Đức cha cũng vẫn yên lặng. Chủ quan, có lẽ Đức cha không tán thành đồng lõa với Thiệu, nhưng khách quan, người ta bảo Đức cha tán thành việc bắt bớ đó. Hơn thế, từ Roma Đức cha còn gửi thư về miệt thị những người tranh đấu chống Thiệu..( 3 )

      Nếu có người chống đối thì cũng phải có người ủng hộ. Và phong trào ủng hộ việc bổ nhiệm này cũng đã nổi dậy không kém phần ồn ào, với những biểu dương lực lượng ( ! ), như các cuộc tụ họp của một số giáo dân có các linh mục hướng dẫn, tại Tòa Tổng Giám mục trong các ngày 17 và 18 tháng 5, cuộc xuống đường với khí giới giữa giờ giới nghiêm, và đưa tới đổ máu đêm ngày 3/6, với những truyền đơn, kiến nghị mang tên các giáo xứ : Nghĩa Hòa, Nam Thái, Thái Hòa, Tân Việt, Phú Nhuận, Bùi Phát, Phát Diệm, Tân Hòa, Gia định, Hòa Hưng, hay các nhóm " Công giáo Bảo trì Đức Tin ", " Khối Tín Hữu Hiện Diện ", với những tuyên ngôn bày tỏ lòng " Hân hoan chào mừng Đức tân Tổng Giám mục phụ tá Nguyễn Văn Thuận do Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục bổ nhiệm ", gọi là của Hội đồng linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc các địa phận Sài Gòn, Nha Trang, Phú Cường. ( Cf. Nguyễn Nghị, Tạm tổng kết vụ Giám mục Nguyễn Văn Thuận, Đứng Dậy, số 72, ngày 15/9/1975 )  

      Trước những lời khuyên nhiệt tình của những linh mục, tu sĩ đến Đại Chủng viện Sài Gòn, rằng Đức Cha Thuận nên trở về Giáo Phận Nha Trang để khỏi gặp khó khăn, Đức Cha đã can đảm dứt khoát trả lời :

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tôi vào Saigòn. Tôi phải vâng lời Đức Thánh Cha, dù phải bị gian khổ.  Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. ( Cf. Phao Lô Phan Văn Hiền, Cha Tôi I  )

ĐƯỜNG CONG THỨ HAI

Ra Đi

 
      Ngày 27/6/1975, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn Gia Định mời Đức cha Nguyễn Văn Thuận, cùng vị thư ký là linh mục Nguyễn Quang Thạnh đến Dinh Độc Lập cũ để làm việc. Ông Cao Đăng Chiếm, phó chủ tịch Ủy ban Quân Quản cho biết chính quyền Cách mạng không chấp nhận cho Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận hoạt động ở nhiệm sở mới. (  Cf. Linh mục Thanh Lãng, Một cuộc trao đổi tự do và thẳng thắn tại Dinh Độc Lập cũ chiều 27/6/1975 về vấn đề Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận, nguyệt san CG & DT, số 36, tháng 12/1997 )

      Ngày 1/7/1975 Ủy ban Quân quản gửi văn thư cho Đức cha Thuận, yêu cầu trở về nơi cư trú trước 30/4/1975. Chiều ngày 15/8/1975, Ủy ban Trung ương Mặt trận triệu tập 350 đại biểu đại diện dòng tu, giáo xứ đến Nhà Hát Lớn thành phố để nghe ông Mai Chí Thọ trình bày quan điểm của Chính phủ Cách mạng. Chính lúc này, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Đức Tổng Giám mục phó Nguyễn Văn Thuận được mời đến Dinh Độc Lập cũ. Từ đây hai đức cha được tách ra hai ngã, Đức cha Thuận được đưa đi quản thúc tại giáo xứ Cây Vông, cách Nha Trang 10 km. ( Cf. Lm. Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công giáo ở Việt Nam, phụ chương , 1975 – 2000 )   
 

ĐƯỜNG CONG THỨ BA

Cây Vông, Nha Trang

  (16/8/1975 – 18/3/1976 )


      (Trích tường thuật của Đức TGM phó FX. Nguyễn Văn Thuận, được trình bày qua các tác phẩm : Năm Chiếc Bánh & Hai Con Cá  và  Chứng Nhân Hy Vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma, mùa chay năm 2000  )

      Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, " Dinh Độc Lập ", vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.

      Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi.

      Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Những giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn :" Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời…"

      Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là " Đức Cha. " Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vụ của tôi. Không hề báo trước chút nào, Chúa yêu cầu tôi trở về điều cốt yếu.

      Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi.

      Trong những tháng kế tiếp, khi tôi bị quản thúc tại làng Cây Vông, Nha Trang, ngày cũng như đêm, ở dưới sự canh chừng thường xuyên của công an, một tư tưởng đã ám ảnh tôi: "Giáo dân mà tôi rất mến thương đã như một đàn chiên không có chủ chăn ! Làm sao tôi có thể tiếp xúc với giáo dân của tôi, chính ngay lúc này đây, khi họ rất cần đến một mục tử ! Các nhà sách Công giáo bị tịch thu, các trường học bị đóng cửa, các nam nữ tu sĩ giảng viên bị phân tán, một số đi nông trường lao động, một số khác đi vùng kinh tế mới. Sự xa lìa giáo dân là một cú sốc làm tan nát tim tôi.

      Tôi tự nhủ : " Tôi sẽ không chờ đợi." Tôi sẽ sống giây phút hiện tại, làm cho nó tràn đầy tình yêu. Nhưng làm thế nào đây ? Một đêm kia tôi chợt hiểu ra rằng : " Phanxicô, rất đơn giản. Hãy làm như thánh Phaolô, khi ngài bị trong tù : Hãy viết thư cho các giáo đoàn. "

      Sáng hôm sau, tôi ra hiệu cho một chú bé 7 tuổi, tên là Quang, khi chú đi lễ về lúc 5 giờ sáng, lúc trời còn tối và tôi xin :"Con hãy nói với má con, mua cho cha các cuốn lịch cũ." Khi chiều tối đến, cậu bé đem các cuốn lịch cũ tới cho tôi. Và tối nào cũng thế, từ tháng 10 cho tới tháng 11 năm 1975, tôi đã  đóng hết cửa, lấy giấy xi măng dán bên trong và viết sứ điệp từ ngục tù cho giáo dân của tôi, dưới ánh đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi tha hồ đốt. Mỗi sáng thực sớm chú bé đến lấy các tờ lịch tôi đã viết sau lưng, mang về cho các anh chị chép lại. Nếu để trên bàn ông An ( một giáo dân ) thấy sẽ sinh tai họa. Chúa đã ban cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị chuyển trại và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết định dừng lại, xem đây như công trình " nghìn lẻ một đêm". Ngày 8/12/1975, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi đã tạ ơn Đức Mẹ cho tôi viết xong Đường Hy Vọng  và trao cho tay Đức Mẹ gìn giữ, đó là của Đức Mẹ, nhờ ơn Đức Mẹ, xin Đức Mẹ tiếp tục lo liệu. Hiện cuốn sách này đã được dịch ra mười một thứ tiếng khác nhau. Trong đó có tiếng Anh, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hoa, Nhật, Hàn, Nga, Ba Lan.  ( Cf. 5CCB & 2CC )  

Ông Nội

 

ĐƯỜNG CONG THỨ TƯ


Phú Khánh, Nha Trang
( 18/3/1976 – 11/1976 )

      Đoán vậy mà không sai, đến ngày 18/3/1976, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam khắc nghiệt nhất, không xa Tòa Giám mục của tôi. Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên, tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm.

      Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe thấy tiếng chuông nhà thờ chính tòa ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy.

      Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi ghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe từ cửa văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống trong tình trạng thật vô lý. ( Cf. CNHV )

      Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua ba lớp cửa trong một hành lang, mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những côn trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài, dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá, không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh. Ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này, hai vị linh mục bị giam cách tôi hai lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết : "Một hôm cô Thạnh, cấp dưỡng, mở cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo : Cho hai anh nhìn thấy ông Thuận sắp chết !" Nhưng trong cơn cơ cực này Chúa đã cứu tôi !

      Tôi phải chọn Chúa, chứ không phải việc của Chúa. Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải ở nơi khác.

      Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu : " Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc !" Anh ta đáp : " Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm." Đó là bầu khí chúng tôi ở tù. ( Cf. 5CB & 2CC )  

      Thời gian trong tù trôi qua chậm rãi, đặc biệt trường hợp của những ai bị biệt giam. Bạn hãy tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng thinh lặng…thấy lâu dài cách kinh khủng. Khi thinh lặng ấy kéo dài từng năm, thì nó trở thành đời đời. Ông bà ta thường bảo : Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, một ngày tù dài bằng ngàn thu tự do.

      Có những lúc quá đau, quá mệt không đọc được một kinh.

      Tôi nhớ lại truyện ông già Jim. Cứ mỗi ngày, lúc 12 giờ trưa, ông vào nhà thờ không quá hai phút. Ông từ rất thắc mắc theo dõi, rồi một hôm chặn ông Jim lại và hỏi :

      – Tại sao bác vào đây mỗi ngày ?

      – Tôi đến cầu nguyện.

      – Không thể được ! Kinh gì trong hai phút ?

      – Tôi vừa già, vừa dốt, đọc kinh theo kiểu của tôi.

      – Ông nói gì với Chúa ?

      – Tôi cầu nguyện : "Yêsu, có Jim đây !"

      Thời gian trôi qua, Jim già yếu bệnh tật, phải vào bệnh viện, nơi khu vực người già. Sau đó Jim yếu liệt, chuẩn bị đi xa…Linh mục tuyên úy và nữ tu y tá đến bên giường Jim :

      – Jim ơi, hãy nói cho chúng tôi biết, tại sao từ ngày ông vào khu vực này, có nhiều thay đổi, bệnh nhân vui vẻ hơn, chấp nhận thuốc thang, sống có tình nghĩa hơn ?

      – Chả biết !…Lúc còn sức, tôi đi quanh thăm mọi người, chào hỏi, chuyện trò một chốc, lúc sau liệt giường, tôi gọi tên họ, thăm hỏi, làm cho họ cười. Với Jim, ai cũng vui.

      – Thế tại sao Jim vui, Jim hạnh phúc ?

      – Khi nào cha và sơ được người ta thăm mỗi ngày, có vui không ?

      – Vui chứ ! Nhưng có thấy ai thăm Jim đâu ?

      – Lúc mới vào, tôi có xin hai chiếc ghế, một dành riêng cho cha và sơ, một cho khách quý của tôi, thấy không ?

      – Khách của ông là ai ?

      – Là Chúa Yêsu. Trước kia tôi đến thăm Ngài ban trưa, nay đi hết nổi, cứ 12 giờ trưa, Ngài đến thăm tôi.

      – Ngài nói gì với Jim ?

      – Ngài bảo :" Jim, có Yêsu đây !"

      Trước lúc Jim chết, người ta thấy Jim đưa tay chỉ chiếc ghế, như thể muốn mời ai ngồi, Jim mỉm cười nhắm mắt ra đi.

      Những lúc tôi không đọc nổi, dù một kinh, tôi lặp đi, lập lại :" Yêsu, có con đây," tôi cảm thấy Chúa Yêsu trả lời :" Thuận ơi, có Yêsu đây !" Tôi vui vẻ và bình an…

      Tôi thích dùng lời Thánh Kinh, lời Chúa để cầu nguyện, khi đọc lên những Thánh vịnh, tôi sung sướng vì biết rằng, đây là những kinh chính Chúa Yêsu và Mẹ Maria đã đọc. ( Cf. 5CB & 2CB )

      Mấy anh công an gác tôi, làm đôi việc để " cải thiện "  đời sống kinh tế, chẳng hạn họ cắt giấy rồi in tay…bán cho các công sở. Loại giấy đầu thừa đuôi thẹo thì quét lại cả đống làm giấy vệ sinh. Tôi lượm giấy vệ sinh đó, lấy kim chỉ, đóng thành sổ bỏ túi. Hai cuốn sổ tôi rất quý, một gồm trên 300 câu Thánh kinh bằng tiếng Latinh để cầu nguỵện và một gồm đầu đề của bài hát, cũng đề cầu nguyện. Còn bao giấy vệ sinh khác, mỗi ngày thu lượm một ít để dành viết sách…Lần khác, tôi không có giấy mực, nhưng công an cung cấp giấy để tôi viết các câu trả lời các cuộc hỏi cung. Thế là từ từ tôi bắt đầu bớt một vài tờ giấy và làm thành một cuốn sổ tay nhỏ, trên đó cũng viết khoảng 300 câu Kinh Thánh mà tôi nhớ thuộc lòng. Lời Chúa được dựng lại như thế đã là cẩm nang thường ngày của tôi, là kho tàng quý báu tăng cường sức mạnh cho tôi. ( Cf. 5CB & 2CC )

      Như tôi đã nói, tôi ở tù biệt giam 9 năm, chỉ có tôi và hai người gác. Để tránh cho khỏi thấp khớp và tê liệt, suốt ngày tôi không ngừng đi lại, xoa bóp, thể dục và hát để cầu nguyện : Ca vịnh thống hối – Miserere -, kinh tạ ơn – Te Deum-, kinh Chúa Thánh Thần – Veni Créator-, kinh các thánh tử đạo – Sanctorum Meritis -, Những bài hát  của Hội Thánh, được cảm hứng từ Lời Chúa, như rót vào trong tôi lòng can đảm để theo Chúa Yêsu. ( cf. 5CB & 2CC)

      Trong nhà tù Phú Khánh, các tín hữu Công giáo đã chia nhau mỗi người vài tờ của cuốn Phúc Âm nhỏ, mà họ đã đem lén vào trong tù. Họ phân phát và học thuộc lòng. Vì nền nhà tù bằng đất hay bằng cát, nên khi nghe bước chân của lính canh tù, họ giấu Lời Chúa dưới cát.

      Chiều đến trong bóng đêm, mỗi người theo lượt đọc phần mình đã học. Thật là cảm động khi nghe Lời Chúa trong đêm tối thinh lặng và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Yêsu. Tin Mừng sống động được đọc lên với tất cả sức mạnh của tâm hồn, hay khi nghe lời cầu nguyện của linh mục, nghe cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

      Anh em khác tôn giáo cũng lắng nghe với lòng tôn trọng và khâm phục điều mà họ gọi là Lời Thánh. Nhiều người nói rằng họ kinh nghiệm được Lời Chúa là thần khí và sự sống. ( Cf. 5CB & 2CC )
       

ĐƯỜNG CONG THỨ NĂM

Vĩnh Quang,Vĩnh Phú,
( 1/12/1976 – 5/2/1977 )

Thanh Liệt, Hà Nội
( 5/2/1977 – 13/5/1978 )

      Từ Nha Trang, tôi bị đưa trở lại Sài Gòn. Ở trại Thủ Đức, vùng Tam Hà, ngày đêm tôi lại nghe không biết bao nhiêu tiếng chuông nhà thờ. Đêm 1/12/1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn, đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối, để dân chúng không để ý. Một cuộc hải hành dài 1700 km đang chờ tôi cùng với 1500 bạn tù đói,  mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu "Hải Phòng" đậu tại bến Tân Cảng, gần cầu Xa Lộ, để chở ra trại cải tạo Vinh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng Tam Đảo, mùa đông 1976-1977 rét tới 2° C.

      Tối hôm đấy, trong khi chờ đợi, họ bắt chúng tôi ngồi xuống đất. Xa xa, cách đó 3 cây số, tôi thấy ánh điện của thành phố Sài Gòn, trung tâm của giáo phận, mà tôi đã được bổ nhiệm làm Giám mục phó, ngày 24/4/1975. Tôi biết mình sắp bị đưa đi xa khỏi nơi này. Đau khổ ấy làm tôi rùng mình. Tôi nghĩ đến thánh Phaolô Tông Đồ lúc giã biệt các kỳ mục thành Êphêsô tại Miletô, khi biết rằng sẽ không bao giờ được nhìn lại họ nữa. Còn tôi thì không được giã từ những người thân của tôi. Tôi cũng không thể an ủi hoặc để lại cho họ lời khuyên nào. Trong thâm tâm, tôi giã từ họ, nhất là Đức TGM cao niên PhaoLô Nguyễn Văn Bình tốt lành của tôi. Tâm hồn tôi đau đớn, khi nghĩ mình sẽ không bao giờ còn được nhìn lại họ nữa. Cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp lại họ.

      Tôi cảm thấy niềm đau khổ mục tử sâu xa trong tất cả những điều đó, nhưng tôi có thể làm chứng rằng Chúa Cha không hề bỏ rơi tôi và Ngài đã ban sức mạnh cho tôi.

      Lúc tôi bị nhốt dưới khoang tàu Hải Phòng cùng với 1500 anh em tù nhân bị đưa ra Bắc, tôi đã thấy trên nét mặt họ nỗi thất vọng, lòng căm thù. Tôi chia sẻ đau khổ của họ. Nhưng tôi lại nghe tiếng : "Hãy chọn Chúa, chứ không phải việc của Chúa !" Tôi đã thưa :" Lạy Chúa, chính đây là nhà thờ chánh tòa của con. Đây là dân Chúa trao cho con phục vụ, con phải làm cho Chúa hiện diện giữa những người anh em chán nản, cùng khổ này. Đấy là ý Chúa, nên con phải chọn."

      Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. Mãi sau này gặp lại anh tại một cuộc họp liên tôn tại California. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết thẹo còn hằn trên cổ.

      Trở lại cuộc hành trình trên, khi các tù nhân biết có giám mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi, để kể lể các nỗi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ, rồi suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc tử nạn của Chúa Yêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng mười hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao giảng Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây, phải cùng Chúa Yêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài ra đi chết bên ngoài tường thành, bên ngoài tường thánh. ( Cf. CNHV )

      Khi lên trại cải tạo, giữa thung lũng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú, tôi gặp 250 anh em cùng chuyến đi, đa số không Công giáo, tôi vẫn thấy tiếng ấy thúc bách : " Hãy chọn Chúa, chứ không phải công việc của Chúa. Chúa sai con đến đây để làm cho tình thương của Chúa hiện diện giữa anh em của con, giữa đói khát và giá lạnh, giữa lao động cải tạo nhọc nhằn và tủi nhục bất công. Con chọn thánh ý Chúa, giờ đây con là tông đồ truyền giáo của Chúa." ( Cf. 5CB&2CC )

      Hồi tôi bị bắt, tôi phải đi ngay và đi tay không. Hôm sau, tôi được phép viết về nhà để xin đồ cần dùng nhất như áo quần, kem đánh răng…Hàng đầu tiên, tôi viết : " Xin gửi cho tôi ít rượu thuốc trị bệnh đường ruột." Bên ngoài, giáo dân hiểu ngay. Hôm sau, ông trưởng ban chấp pháp cầm đến một ve nhỏ, bên ngoài có dán giấy đề chữ : "Thuốc trị bệnh đường ruột " và bánh lễ xé nhỏ bỏ trong một cái lọ chống ẩm, ông ta hỏi :

      – Ông có bị bệnh đường ruột không ?

      – Có.

      – Đây là thuốc bên ngoài gửi vào cho ông !

      Không bao giờ tôi vui bằng hôm đó. Từ đấy mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng Thánh lễ.

      Tuy nhiên cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra Bắc, ban đêm, tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô Xaviê quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vinh Quang, tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng, lúc người ta đi tắm sau giờ tập thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng vào nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Đến chín giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân. Tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi luồn tay dưới mùng để đưa Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút, để làm những túi nhỏ để đựng Mình Thánh và mang cho người khác. Tôi luôn mang Mình Thánh Chúa trong túi áo sơ mi.

      Mỗi tuần đều có một buổi học tập chính trị và cả trại đều phải tham dự. Các bạn tù Công giáo lợi dụng những lúc giải lao để chuyển những túi giấy nhỏ, đựng Mình Thánh Chúa cho bốn nhóm tù nhân khác : Tất cả đều biết rằng Chúa Yêsu ở giữa họ. Ban đêm các tù nhân thay phiên nhau chầu Mình Thánh. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Yêsu trong phép Thánh Thể đã làm nên những viêc kỳ diệu : Nhiều người Công giáo đã bắt đầu tin tưởng trở lại một cách nhiệt tình. Và xác chứng của họ về yêu thương và phục vụ có một ảnh hưởng ngày càng lớn trên những tù nhân khác. Ngay cả với anh em Phật tử và bên lương cũng tìm được đức tin. Sức mạnh của Chúa Yêsu thật mạnh mẽ không thể cưỡng lại.

      Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng phục sinh, và hạt giống đã được gieo vào lòng đất trong bão tố. Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý. Các tín hữu Công giáo rửa tội cho các bạn đồng tù và trở thành những người đỡ đầu cho họ.

      Tổng cộng có 300 linh mục tù nhân. Sự hiện diện của các vị trong các trại khác nhau, thật là một điều do Chúa Quan Phòng xếp đặt, không những cho các tín hữu Công giáo mà thôi, nhưng còn là một dịp cho một cuộc đối thoại liên tôn kéo dài, tạo nên sự cảm thông và tình thân hữu với mọi người.

      Trong chín năm biệt giam, tôi dâng lễ một mình lúc 3 giờ chiều, giờ Chúa Yêsu hấp hối trên Thánh giá. Tôi ở một mình nên có thể hát tiếng Latinh, tiếng Việt, tiếng Pháp…Tôi luôn mang Mình Thánh trong mình như Cha ở trong con và con ở trong Cha.( Cf. 5CB & 2CC )

      Lúc tôi bị biêt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi : đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì cấp trên nói :" Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết ! "

      Thực tế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói chuyện với tôi, họ chỉ trả lời " có " hoặc " không". Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá ! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, nhưng họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét " cái mác phản động" nơi tôi ? Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn " Cải Tạo", kể từ ngày bước chân vào trại Vinh Quang ở Bắc Việt.

      Tôi phải làm thế nào ?

      Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi : " Tại sao con dại thế ? Con còn giàu lắm. Con mang tình thương Chúa Yêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Yêsu đã yêu con." Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói…Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Đức, Úc, Áo, vv…Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời…Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp…tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi ! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa tôi với họ tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học ngoại ngữ, mà họ còn gửi những anh khác học.

      Tôi sống theo lời Chúa Yêsu dạy : "Điều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta."  " Khi nào có hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ."

      Một ngày nọ có một người canh tù hỏi tôi :

      – Ông có yêu chúng tôi không ?

      – Có chứ, tôi yêu các anh.

      – Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm, mà không xét xử, không kết án, vậy mà ông lại yêu chúng tôi à ? Đây là điều không thể được ! Có lẽ không thật đâu !

      – Tôi đã ở với ông nhiều năm, như ông thấy đó, đúng không ?

      – Khi nào ông tự do, ông sẽ không sai bổn đạo đến đốt nhà chúng tôi và giết người thân của chúng tôi đấy chứ ?

      – Không, ngay cả khi các anh muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu các anh.

      – Mà tại sao ?

      – Bởi vì Chúa Yêsu đã dạy tôi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như thế, tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa.

      – Thật rất là đẹp, nhưng khó hiểu quá !

      Chúa Yêsu đã nhấn mạnh rất nhiều đến đặc điểm này của tình yêu Kitô và chỉ với thái độ đó của con tim, chúng ta mới có thể kiến tạo hòa bình trên trái đất :" Nếu các con yêu những người yêu các con…nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi…ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?…Nhưng Thầy bảo các con : Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các con. ( Mt5, 46-47,44 ).( Cf. CNHV. )

      Một lần khác, trong traị tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi trong nhà. Tôi hỏi người canh tù :

      – Tôi có thể xin anh một điều không ?

      – Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh.

      – Tôi muốn đẽo một hình Thánh giá bằng gỗ.

      – Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt, không được phép có bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao ?

      – Tôi biết chứ ! Nhưng chúng ta là bạn với nhau và tôi hứa là sẽ giữ kín.

      – Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta.

      – Anh hãy nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm bây giờ và tôi sẽ rất cẩn thận.

      Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo miếng gỗ hình Thánh giá và đã giấu trong một mảnh xà phòng, cho tới ngày được trả tự do. Rồi với một lớp kim loại mỏng bọc bên ngoài, Thánh giá đó đã trở nên Thánh giá giám mục của tôi. Gỗ Thánh giá ấy lấy từ núi Vĩnh Phú, nơi có đền Hùng, thờ các vua Hùng, tổ tiên chúng ta đã có công dựng nước. Đi đâu tôi cũng mang Thánh giá ấy, mang trên mình Chúa Yêsu và quê hương Việt Nam. ( Cf. 5CB & 2CC )

      Đức Mẹ còn dùng cả người cộng sản để giúp tôi cầu nguyện. Ông Hải  đến trại Thanh Liệt trước tôi chỉ có 3 ngày. Còn tôi được chuyển đến trại Thanh Liệt ngày 5 tháng 2 năm 1977, sau hai tháng được đưa ra Bắc và ở chung với anh em cải tạo tại trại Vĩnh Quang, Vĩnh Phú. Trước khi đến trại Thanh Liệt, ông được cán bộ bảo phải cải tên là Trần Hải để khỏi lộ tung tích và cảnh báo cho ông biết, người mà ông sẽ đến ở chung – ông Thuận – là một thành phần nguy hiểm từ Miền Nam. Họ cũng hứa sẽ sớm trả tự do cho ông, nếu ông làm tốt công tác theo dõi này. Ông được bố trí nằm cùng buồng với tôi, để mật thám tôi, sau đó đã thành bạn của tôi. Thật ra, tên ông là Trần Thuyền và là một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Ông đã lấy xi măng của đơn vị để đổi lấy xăng dùng trong những công tác cần thiết. Vì vậy tôi thường gọi thân mật là ông Xi Măng.

      Ông Xi Măng đã hăng hái thực hiện công tác được giao phó. Trước tiên, ông dùng phương pháp đả kích chế độ, tố cáo Nhà Nước bất công, áp bức. Ông nêu lên trường hợp oan ức của ông với hy vọng tôi sẽ hùa theo. Nhưng phương pháp này thất bại hoàn toàn. Tôi vẫn luôn giữ bình tĩnh và khuyên ông kiên nhẫn, cố gắng giữ sức khỏe, giữ tinh thần an lành để chờ ngày đoàn tụ với gia đình, khi vụ án của ông được sáng tỏ.

      Thấy không thành công, ông Xi Măng lại chuyển qua phương cách khác : Tình cảm. Ông cho tôi biết quê quán của ông ở Long Hưng, thuộc tỉnh Quảng Trị, gần làng Trí Bưu, quê nội thứ hai của tôi, khi tổ tiên tôi vì lệnh cấm đạo của Chúa Trịnh, năm 1698, đã phải đem cả dòng họ vào đây định cư. Ông cũng cho tôi biết ông là cựu học sinh trường Bán Công ở Huế. Vì thế ông Hải tự nhận là đồng hương với tôi. Rồi cả hai chúng tôi nói chuyện về các địa danh ở Quảng Trị: về linh địa La Vang, Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc, về làng Ái Tử, nơi Chúa Nguyễn Hoàng, thường gọi là Chúa Tiên, đến lập Dinh đầu tiên, khi được cử vào trấn thủ đất Thuận Hóa, mở đầu cho một thời kỳ đất nước bị chia đôi : Trịnh Nguyễn phân tranh…( Cf. Đức Ông Phao Lô Phan Văn Hiền, Cha Tôi )  

      Trước ngày ông ra về, ông đã hứa với tôi :

      – Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3 km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh.

      Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi, làm sao một người cộng sản mà đi cầu nguyện Đức Mẹ cho tôi ? Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật ! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông như sau :

      – Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này :" Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy."

      Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại, rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại :" Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện, chắc mẹ đã nhận lời anh ấy, con mới còn sống đây." ( Cf. 5CB & 2CC )
 

ĐƯỜNG CONG THỨ SÁU

Giang Xá, Hà Nội
( 26/5/1978 – 11/1982 )

 

      Khi tôi bị quản thúc tại làng Giang Xá ( 4 ), cách Hà Nội 20 cây số, người canh giữ tôi là một tín hữu Công giáo ( 5 ). Thoạt đầu, ông ta đặt bao nhiêu câu hỏi về tôi : Ông giám mục này đã làm gì để bị giam giữ như thế ? Khi sống và ăn chung với tôi, ngủ trong cùng một phòng cạnh tôi, dần dần ông ta hiểu, và ông để cho tôi được viết các sách tu đức. Ông cho phép các linh mục đến gặp tôi ban đêm, họ ở cách xa đó 300 cây số, để được nghe tôi nói về Công Đồng Chung Vatican II, vì không một giám mục nào ở Bắc Việt đã có thể tham dự Công Đồng.

      Mỗi tháng, người tín hữu cán bộ ấy phải thảo một tờ báo cáo về tôi, để nộp cho công an. Sau khi viết như thế trong một thời gian, ông ta nói với tôi :

      – Tôi không viết nữa, tôi không biết phải viết gì.

      – Ông cần phải viết ! Nếu ông không viết, thì ông sẽ bị thay thế. Một người lính canh khác mà tới đây, thì họ sẽ làm khó tôi.

      – Nhưng tôi không biết viết gì cả !

      – Vậy thì… tôi viết báo cáo, ông chỉ cần sao lại và ký tên.

      – Tốt lắm !

      Công an huyện khen ông ta về bản báo cáo và tặng cho một chai rượu cam. Thế là ông ta mang về nhà và tối hôm đó, chúng tôi uống chung với nhau.

      Nhờ ông mà tôi đã truyền chức linh mục cho nhiều chủng sinh, thuộc các giáo phận khác do vị bản quyền gửi tới cho tôi. Vì tôi đã ở tù rồi, nên không còn sợ bị rủi ro gì nữa. Ban đêm ông ta dẫn chủng sinh đến gặp tôi. Họ mang theo sách nghi thức của giám mục và dầu thánh. Đó là những cuộc truyền chức dài nhất thế giới ! Vì các buổi ấy bắt đầu lúc 11 giờ đêm và chấm dứt lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau.

      Cũng vào ban đêm, cán bộ ấy dẫn tôi ban bí tích cho các bệnh nhân.

      Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi Chúa Yêsu gọi tôi thi hành loại mục vụ đặc biệt như thế. Quả thật, Chúa Thánh Thần sử dụng bất cứ ai để ban ơn thánh cho dân Chúa ! . ( Cf. Đức Ông Phao Lô Phan Văn Hiền, Cha Tôi I )

      Có lúc Chúa dùng giáo dân để dạy tôi cầu nguyện. Thời gian bị quản thúc ở Giang Xá, có ông lão nhà quê, tên là ông quản Kinh, từ giáo xứ Đại Ơn lẻn vào thăm tôi. Tôi không bao giờ quên được những lời ông khuyên tôi :

Thưa cha, cha không hoạt động tông đổ được, thì xin cha cầu nguyện cho Hội Thánh. Ở trong tù, cha đọc một kinh hơn một nghìn kinh cha đọc lúc ở ngoài tự do ! ( Cf. 5CC & 2CC)

 ĐƯỜNG CONG THỨ BẢY


… (  11/1982 – 11/1987  )
Hòa Mã, Hà Nội
( 11/1987 –  21/11/1988 )

 

      Sau tháng 11 năm 1982, tôi không còn ở Giang Xá nữa. Những năm sau đó, tôi phải dời chỗ thường xuyên, nên không có điều kiện để thu xếp công việc riêng của mình được. Đến năm 1987, tôi được đưa về ở trong một ngôi nhà lầu biệt lập trên đường Hòa Mã. Lúc này, một số người canh giữ đã trở thánh học trò ngoại ngữ của tôi, và tôi được tự mình lo cơm nước, nên cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn. Tôi thu nhặt những tờ giấy trắng đã bị thải ra, mhưng còn dùng được, để viết lại những bài suy niệm. sau đó dùng chỉ để đóng lại thành tập, bao lại cẩn thận và viết thật to ngoài bìa là Bài Học Ngoại Ngữ Italiano – English. Nhờ đó, khi được tự do, tôi cũng đem về theo được những tập suy niệm. ( Cf. Đức Ông P. Phan Văn Hiền, Cha Tôi II )

      Trong nơi biệt giam ở Hà Nội, tôi đã xin anh gác :

      – Tôi muốn xin anh giúp tôi một chuyện.

      – Ông cần gì, tôi sẽ hết sức giúp đỡ.

      – Anh kiếm cho tôi một sợi dây điện đồng.

      Anh ta trợn mắt :

      – Trời đất ! Trong trường công an chúng tôi đã học : Tù nhân nào giữ một sợi dây điện là dấu hiệu muốn tự tử !

      – Không đâu ! Linh mục đâu lại đi tự tử !

      – Nhưng ông dùng dây điện làm gì ?

      – Tôi muốn làm một sợi dây để mang tượng Thánh giá.

      – Dây điện mà lại làm dây mang tượng Thánh giá sao được ? Khó hiểu quá !

      – Anh cứ cho tôi mượn hai cái kềm nhỏ, tôi sẽ làm cho anh xem.

      – Nguy hiểm lắm ông ơi ! Không khéo cả tôi lẫn ông mang lấy vạ.

      – Nhưng chúng mình là bạn mà ! ( 6 )

      – Tôi ngại lắm, nhưng để tôi suy nghĩ vài hôm rồi sẽ trả lời cho ông.

      Sau ba hôm, anh ta bảo :

      – Thực khó từ chối ông. Tôi tính thế này, chiều nay tôi mang đến hai cái kềm, từ 7 giờ đến 10 giờ đêm, phải liệu cho xong. Tôi để anh bạn tôi đi chơi Hà Nội by night. Nhỡ ai thấy chúng ta, nói đến tai cấp trên, chúng ta sẽ bị kỷ luật.

      Chúng tôi đã cắt sợi dây điện ra từng mảnh như que diêm. Chúng tôi bẻ cong hai đầu lại. trước 11 giờ đêm, chúng tôi đã làm xong ! Tôi mừng quá ! Thắng lợi.

      Hằng ngày, tôi mang sợi dây này và Thánh giá này trên mình, không phải để kỉ niệm ngục tù, nhưng vì nhắc tôi xác tín cách sâu xa rằng : Không phải dùng khí giới đe dọa, áp lực mà có thể thay đổi được lòng người, chỉ có tình yêu Chúa Yêsu mới thay đổi được. (  Cf. 5CB & 2CC )

      Trong cuộc sống tù đầy, có những thời gian dài tôi đã đau khổ, vì không thể cầu nguyện được. tôi đã kinh nghiệm cái vực thẳm của sự yếu đuối thể xác và tâm hồn. Nhiều lần tôi đã kêu lên như Chúa Yêsu trên thập giá :" Lạy Cha, lạy cha, sao Cha bỏ con ?"

      Nhưng Chúa đâu có bỏ tôi.

      Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ  công an nam nữ trẻ, học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo Hội. Trong số mấy anh chị gác tôi, có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi :

      – Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không ?

      – Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào ?

      – Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.

      Tôi đã hát bài Salve Regina, Veni Créator. Ave Maria Stella…Các bạn biết anh ta chọn bài nào không ? Anh ta chọn bài Veni Créator. ( Xin Chúa Ba Ngôi đoái thương viếng thăm )

      Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát : Veni Créator…Anh ta hát đi hát lại bài thánh ca nhiều lần và làm các cử điệu khác nhau khi múc nước tắm :" Lạy Thần Khí Sáng Tạo xin hãy đến, viếng thăm tâm trí các tín hữu Chúa…" Và anh ta kết thúc các lời cuối cùng của bài thánh thi : " cho đến muôn đời, Amen." Khi bước vào phòng với quần áo chỉnh tề.

      Ban đầu tôi lấy làm lạ lắm, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng chính Chúa Thánh Thần đã dùng anh công an đó để giúp một giám mục bị tù cầu nguyện, khi vị đó quá yếu nhược và mất tinh thần, đến độ không còn cầu nguyện được nữa. Chỉ có công an mới có quyền hát to bài " Lạy Thần Khí Sáng Tạo ". Tôi không bao giờ được hát lên như vậy, bởi vì làm thế là báo cho mọi người biết có một linh mục đang ở trong ngục. Tôi hết sức cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh Veni Créator cho mình nghe !

      Anh thứ hai lại chọn một bài hát tiếng Việt : " Ngày vinh phúc hôm nay, hát mừng Tôma Thiện ", kinh thánh tử đạo chủng sinh. Anh rất thích nên thuộc lòng cả bài. Tiếng anh ngân nga như nhắc tôi can đảm chịu khó.

      – Ôi ! Cái chết đẹp thay !

      Trên cổ một vòng dây

       Cái vòng dây yêu mến

       Buộc lòng tớ theo Thầy.

      Đâu có tình yêu thương, đó có vui tươi an bình, và Chúa Yêsu ở đó. Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ : Bác ái, bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa ( Ga 13, 35 ), là dấu hiệu rẻ mà khó kịếm nhất. ( cf. 5CB &2CC )  

      Thật khó tưởng tượng nổi sự kiện : Trong những năm bị thử thách cam go ( Bắc Việt từ sau năm 1958 trở đi ), các tín hữu chúng tôi lo âu dường nào, vẫn tìm mọi cách nghe lén Đài Vatican, để cảm nghe nhịp đập trái tim của Giáo Hội hoàn vũ và liên kết với đấng kế vị thánh Phêrô. Họ làm như thế, bất chấp nguy cơ có thể bị phạt hoặc bị tù, vì như thế là nghe " sự tuyên truyền của ngoại quốc, phản động."

      Về sau, chính tôi cũng cảm thấy cùng một kinh nghiệm như vậy. Trong khi tôi bị cô lập ở Hà Nội, thì một ngày kia, một nữ công an cho tôi một con cá nhỏ để tôi nấu ăn ( 7 ). Vừa khi thấy tờ giấy bọc con cá, tôi cảm thấy rất vui mừng, nhưng tôi cố nén lòng không biểu lộ ra ngoài. Tôi vui mừng không phải vì con cá, nhưng vì tờ giấy báo bọc con cá : Đó là hai trang của báo :" Quan Sát Viên Rôma. " Trong những năm ấy, báo này mỗi khi được gửi tới bưu điện Hà Nội, thì thường bị tịch thu và đem đi cân bán ở quầy mua giấy cũ ở chợ. Hai trang báo ấy được dùng để gói con cá nhỏ. Tôi bình tĩnh, không để cho ai thấy, và rửa sạch những trang báo đó, để tẩy hết mùi tanh, rồi phơi khô và giữ nó như một thánh tích.

      Đối với tôi, trong khi bị biệt giam, những trang báo ấy là một dấu chỉ tình hiệp thông với Rôma, với thánh Phêrô, với Hội Thánh, và đó là một vòng tay ôm từ Rôma. Giả sử không ý thức mình là thành phần của Hội Thánh, có lẽ tôi đã không sống sót nổi. ( Cf. 5CB & 2CC )

      Một hôm khác có một ông xếp lại hỏi tôi :

      – Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo Người Công Giáo ?

      – Nếu viết đúng cả nội dung, cả hình thức thì có lợi, nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công giáo và cho cả Nhà Nườc.

      – Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy ?

      – Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo, thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo, cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng tích cực và tạo nên thông cảm giữa hai bên.

      – Ông có thể giúp được không ?

      – Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon ( Từ điển bỏ túi ) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z. Chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo hội…

      Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn Lexicon đó bằng tiếng Pháp, Anh, Ý. Latinh, Tây ban Nha và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo hội. Lexicon ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành. Ai cũng muốn biết Viện Phụ là gì, Thượng Phụ là gì, Công giáo khác Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo chỗ nào ? Tài chánh  của Tòa Thánh từ đâu có ? Có bao nhiêu Tu sĩ ? Giáo sĩ thế nào ? Giáo hội phục vụ nhân loại thế nào ? Tại sao Giáo hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại, cũng bị bắt bớ tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn còn tồn tại ? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa…Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng. ( Cf. 5CB & 2CC)
 

CHỨNG NHÂN HY VỌNG

Người Con Hạnh Phúc

    Mẹ Maria Vô Nhiễm không bỏ quên tôi. Mẹ đã sát cánh tôi dọc đường gập ghềnh đen tối chốn lao tù. Trong những năm tháng  thử thách triền miên ấy, tôi đã cầu xin cách đơn sơ mà đầy tin tưởng cậy trông : " Lạy Mẹ, Mẹ biết con không thể làm ích gì để phục vụ Hội Thánh nữa, thì xin Mẹ cho con đặc ân được chết trong tù, để hy sinh trọn vẹn. Ngược lại nếu Mẹ biết con còn phục vụ Hội Thánh được, xin Mẹ cho con một dấu chỉ : Ra khỏi tù trong một ngày lễ của Mẹ."

      Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. " Biết đâu có tin gì cho tôi ? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào đền Thánh, 21 tháng 11 mà !"

      Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến :

      – Ông Thuận ơi, ông ăn chưa ?

      – Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.

      – Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.

      – Lãnh đạo là vị nào vậy ?

      – Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.

      Tôi đã được đưa đến Nhà khách Chính phủ, bên hồ Ha Le và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ ( Bộ Công an ). Sau lời chào xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi :

      – Ông có nguyện vọng gì không ?

      – Thưa có, tôi muốn được tự do.

      – Bao giờ ?

      – Hôm nay.

      Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian Nhà Nước xếp đặt…Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ, nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói :

      – Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng : Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Về phia xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên xô : Brezhnev, Andropov, Chernenko và Gobachev.

      Ông Bộ trưởng bật cười và nói :

      – Đúng ! Đúng !

      Ông quay qua bảo người bí thư :

      – Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.

      Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. ( Cf. 5CB & 2CC)  

      Năm 1989 sau cùng, khi tôi ra khỏi tù, tôi đã nhận được một bức thư của Mẹ Têrêsa Calcutta với các lời này : " Không phải con số các hoạt động của chúng ta quan trọng, mà là cường độ tình yêu thương mà chúng ta đặt để vào mỗi hành động của chúng ta." ( Cf. CNHV )

 

TRÍCH LỜI ĐỨC THÁNH CHA

KẾT THÚC TUẦN TĨNH TÂM


       …Tôi cũng nhân danh mỗi người trong anh em, cám ơn Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận rất quý mến, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, với sự đơn sơ và đầy tinh thần thiêng liêng, Đức cha đã hướng dẫn chúng ta trong việc đào sâu ơn gọi của chúng ta, là trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng, theo tinh thần Tin Mừng vào đầu Ngàn Năm Thứ Ba này. Với tư cách là chứng nhân của Thánh Giá trong những năm dài ngục tù tại Vịêt Nam, Đức cha đã kể lại cho chúng ta nhiều sự kiện và giai thoại trong thời gian bị giam cầm, và qua đó, củng cố trong chúng ta niềm xác tín đầy an ủi, dù khi tất cả sụp đổ quanh chúng ta và có lẽ cả trong nội tâm chúng ta nữa. Chúa Kitô vẫn mãi mãi nâng đỡ chúng ta. Chúng ta biết ơn Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận – người mà trong tù chỉ là ông Thuận – vì chứng tá của Đức cha, một chứng tá có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong Năm Toàn Xá này.

      Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Được ơn phù trợ của Chúa làm cho vững mạnh, các môn đệ của Ngài đã trở thành những con người hy vọng. Không phải thứ hy vọng chóng qua, để rồi làm cho tâm hồn chúng ta mệt mỏi và thất vọng, nhưng là niềm hy vọng chân thực, hồng ân của Thiên Chúa, được nâng đỡ từ trời cao và chắc chắn sẽ đạt tới Thiện Hảo ấy. Thế giới ngày nay rất cần niềm hy vọng ấy. Năm Đại Toàn Xá chúng ta đang cử hành, giúp đưa chúng ta từ từ đào sâu những lý lẽ của niềm hy vọng Kitô giáo, chúng đòi hỏi và tạo điều kiện thuận lợi, để chúng ta  gia tăng niềm tín thác nơi Chúa và ngày càng tỏ ra cởi mở quảng đại đối với anh chị em mình…

      Roma, ngày 18 tháng 3 năm 2000

Yoan Phaolô II Giáo Hoàng ( Cf. CNHV )

THƯ ĐỨC THÁNH CHA  YOAN PHAOLÔ II  GỬI ĐỨC TGM FX. NGUYỄN VĂN THUẬN


    Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận quý mến,

      Hiền Đệ quý mến trong hàng Giám Mục, vào cuối cuộc tĩnh tâm, mà tôi vui mừng tham dự cùng với các cộng tác viên thân cận của tôi trong Giáo Triều Roma, trong tuần đầu tiên của mùa chay này, tôi gửi đến Hiền Đệ những lời cám ơn chân thành nhất của tôi, vì chứng từ đức tin nhiệt thành trong Chúa, mà Hiền Đệ đã mạnh mẽ diễn tả qua các bài suy niệm về đề tài rất thời sự đối với đời sống Giáo Hội, " Chứng Nhân Hy Vọng."

      Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá này, có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người "đã chịu đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại " ( Tông Sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể, sô13 ). Hiền Đệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt lên trên mọi lý luận của loài người, thật là vô biên, nhất là trong những lúc thê thảm nhất. Quả thực, Hiền Đệ đã liên kết chúng tôi với tất cả những người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô.

      Hiền Đệ đã dựa vào Kinh Thánh và giáo huấn của các Giáo Phụ, cũng như trên kinh nghiệm bản thân, mà Hiền Đệ thủ đắc đặc biệt khi bị cầm tù vì Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Hiền Đệ đã làm nổi bật sức mạnh của Lời Chúa. Lời mà đối với các môn đệ của Chúa Kitô, vốn là " sức mạnh của niềm tin, là lương thực cho tâm hồn, và là nguồn mạch tinh khiết và trường cửu cho đời sống thiêng liêng của họ." ( Dei Verbum, số 21 ).

      Qua những lời huynh đệ đầy khích lệ, Hiền Đệ đã dẫn đưa chúng tôi trên những nẻo đường hy vọng, mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta, khi tái nhập nhân loại, để biến họ thành một tạo vật mới, và kêu gọi chúng ta luôn canh tân trên bình diện bản thân và Giáo Hội. Ước gì Ngôi Lời Nhập Thể ban cho tất cả những người đang còn chịu đau khổ, để Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến, sức mạnh và lòng can đảm rao giảng chân lý của tình thương Kitô trong mọi hoàn cảnh !

      Hiền đệ quý mến trong hàng Giám Mục, tôi phó thác cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Hy Vọng, bản thân Hiền Đệ cũng như sứ vụ của Hiền Đệ, qua đó Hiền Đệ đang đóng góp một cách đặc biệt, nhân danh Giáo Hội, cho sự thiết lập Công Lý và Hòa Bình nơi nhân loại. Xin Mẹ cầu bầu cho Hiền Đệ được dồi dào ơn thánh của Chúa Con, Ngôi Lời Nhập Thể !

      Tôi thành tâm ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho Hiền Đệ, Phép Lành mà tôi vui lòng nới rộng cho tất cả những người thân yêu của Hiền Đệ nữa.

Vatican, ngày 18 tháng 3 năm 2000

Yoan Phaolô II, Giáo Hoàng ( Cf. CNHV )

Chú thích :

      ( 1 ) & ( 2 ) Tổ chức Corev & phong trào Công Lý Hòa Bình có ý nghĩa thực sự như thế nào, xin tham khảo : Linh mục JMT. Nguyễn Thế Thoại, Công Giáo Trên Quê Hương Việt Nam, quyển II 2002 và Đức Ông Phan Văn Hiền, Cha Tôi, Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận, Trong Cuộc Đời Của Tôi, cuốn I, 2003.

      ( 3 ) Gs Nguyễn Văn Trung, " Hồ Sơ Về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ( 1955 – 1975 và Hiện nay ) : Trước khi mất, Thanh Lãng có nói với tôi, đã gửi thư cho Đức Cha Thuận, và trong di chúc có viết :" Tơi xin công khai sám hối với Chúa, với Hội Thánh toàn cầu, Việt Nam. Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lỗi lầm và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và tha thứ. Tôi xin công khai sám hối, xin lỗi Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn và trả công cho Đức Cha. Tôi xin công khai sám hối tất cả và tình Anh Em linh mục, mà tôi vô tình hay cố ý làm mất lòng. ( Ngày 28/11/1988, Thanh Lãng )

      ( 4 ) Hình ảnh Giang Xá hịên về trong trí nhớ của tôi thật rõ nét : Ngôi đình cổ kính ở đầu làng có hồ nước trong mát. Những ngôi nhà mái ngói nho nhỏ thật ấm cúng hai bên đường làng, được lót gạch dẫn đến ngôi nhà thờ, được xây theo họa đồ Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang trông thật oai phong. Và bên cánh trái của nhà thờ là ngôi nhà xứ ba gian, nơi Cha Tôi đã sống và làm việc âm thầm trong hơn bốn năm, sau khi rời trại Thanh Liệt. Tôi còn nhớ rõ vườn rau của Ngài trước nhà xứ. Những trái xu hào thật lớn. Những cây cà chua nặng chĩu trái. Những luống rau xà lách, rau húng…tươi tốt. Tất cả đều được Ngài chăm nom một cách kỹ càng…( Cf. Đ.Ô. P. Phan Văn Hiền, Cha Tôi II )  

      ( 5 ) Từ trại Thanh Liệt, ngày 26/5/1978, Ngài được đưa về quản chế tại giáo xứ Giang Xá. Ở đây không có linh mục. Chỉ có Ban Chấp Hành Giáo do giáo dân đảm trách. Ông Quản Trọng được giao nhiêm vụ kiểm soát và báo cáo mọi sinh hoạt của Ngài tại đây. Ông được xếp đặt ở chung với Ngài trong nhà xứ. Dần dần qua cuộc sống thánh thiện, chân thành và bình dân của Ngài, ông Quản Trọng bị chinh phục hoàn toàn, đến nỗi mỗi khi viết xong báo cáo, ông cũng đưa cho Ngài xem trước…( Cf.  Đức Ông PhaoLô Phan Văn Hiền, Cha Tôi,   tập I )

      Tại Giang Xá, Đức Tổng Giám mục FX. đã hoàn thành 2 tác phẩm Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II, và Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng. ( Cf. Đức Ông PhaoLô Phan Văn Hiền, Cha Tôi I )

      ( 6 ) Tinh thần phục vụ của Ngài cũng không biên giới. Ai cần, Ngài cố gắng giúp đỡ. Bất kỳ người đó quen thân, xa lạ hoặc chống đối mình. Vì thế, những người canh giữ Ngài trong thời gian ở tại căn nhà trên đường Hòa Mã, Hà Nội, đã không ngần ngại xin Ngài dạy ngoại ngữ. Và Ngài đã giúp đỡ một cách tận tình. Khiến cho những người này dần dần yêu mến Ngài như một người bạn chân thành, và quý trọng Ngài như bậc Thầy đáng kính. Chuyện gì họ cũng muốn bàn hỏi với Ngài, kể cả chuyện tình yêu riêng tư. Ngài thuật lại:

       – Một bữa kia, một anh học trò ngoại ngữ đến gặp Cha và khẩn khoản xin Cha giúp. Nhìn khuôn mặt hớn hở của anh ta, Cha đoán anh này đang có chuyện vui, nên hỏi ngay : Anh đang có tin vui mà, chuyện gì mà cần tôi giúp ? Anh ta ngạc nhiên trả lời :

      – Đúng là Ông Thuận. Cái gì cũng biết. Không giấu ông được gì cả. Tôi nhờ ông góp ý về chuyện" lo – ve" của tôi. Tôi mới quen cô này được mấy tháng, nhưng thấy tình cảm gắn bó lắm ông ạ. Cô ta trẻ tuổi, xinh xắn, tốt nghiệp đại học và đang có công việc tốt. Nhưng tính tình hai đứa chúng tôi không biết có hợp nhau hay không. Ông cố gắng xem hộ tôi nhá !

      Cha nghe như chuyện từ trời rơi xuống, bởi vì mình có bao giờ xem tướng để giúp người khác chọn lựa kết hôn đâu, nhưng cũng bình tĩnh giải thích : Anh biết tôi là người tu hành mà. Chuyện tôn giáo của tôi thì tôi có thể trả lời được. Còn chuyện" lo – ve", thì tôi biết gì đâu, mà anh xin tôi giúp. Hơn nữa anh biết luật lệ ở đây, không được gặp bất kỳ ai, làm sao tôi có thể gặp mặt cô ta, để đoán tính tình như anh muốn được. Anh ta khoát tay và nài nỉ :

      – Tôi biết ông giỏi lắm. Tính tình anh em chúng tôi ở đây như thế nào, ông gặp một lần là nói trúng phong phóc. Ông chỉ cần xem giọng nói, bộ mặt, cách đi, đã biết được tính tình làm sao rồi. Vì thế tôi đã tính kỹ. Ngày mai đúng 4 giờ chiều, tôi sẽ dắt cô ta đến bên kia đường để nói chuyện. tôi cố gắng kéo dài câu chuyện càng lâu càng tốt. Còn ông đứng ở cửa sổ này, nhìn qua để quan sát cô ta, xem thử tính tình như thế nào, có hợp với tôi không. Ông cố giúp tôi đi mà…

      Và không đợi Cha trả lời có ưng thuận hay không, anh ta đã xá hai tay cám ơn rồi chạy đi mất. Lạy Đức Mẹ ! Đúng là chuyện oái oăm…Dù không phải chuyên môn, nhưng anh ta đã nhờ thì cũng ráng giúp. Nhưng dù sao, kinh nghiệm gặp gỡ nhiều người trong cuộc sống cũng giúp Cha đoán được cách chung chung tính tình của người mà mình tiếp xúc. Thế là chiều hôm đó, đúng 4 giờ, Cha nhìn qua khung cửa lá sách, xem cách đi, kiểu nói, bộ mặt cô ta. Qua ngày hôm sau, vừa sáng sớm, anh ta hăm hở đến xin ý kiến của Cha liền… Và cuối cùng, cả nhà được anh ta chiêu đãi một bữa tươm tất. ( Cf. Đức Ông Paulô Phan Văn Hiền, Cha Tôi, III )

      ( 7 ) Trong thời gian đầu, họ gửi một chị cán bộ đến nấu cơm cho Cha. Nhưng về sau, khi những người canh giữ đã có cảm tình với Cha, họ đề nghị Cha xin cấp trên tự túc cơm nước và hứa sẽ giúp Cha lo việc chợ búa. Việc ăn uống nhờ đó cũng tốt hơn. Cha có thể nhờ họ mua những gì mình thích. Và nhiều khi đã biết ý của Cha rồi, nhiều lần họ tự động mua cho Cha, nếu thấy thức ăn ngon mà rẻ, vì họ biết Cha đâu có tiền nhiều…(Cf. Cha tôi, I )

Kính tặng:

Toàn thể AE Gia đình Lâm Bích một ít tư liệu về Nội,  nhân dịp Họp mặt lần thứ 15 tại Banmêthuộc.