SUY NGHĨ VỀ TRÌNH ĐỒ HỘI NHẬP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU VIỆT NAM

LM. NGUYỄN HỮU ĐĂNG – Giáo Sư Triết Văn – ĐCV XUÂN BÍCH HUẾ
(Gởi qua anh Trần Đức Thắng)

I.BAO QUÁT VÀ PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH CHUNG

NHẬP ĐỀ: TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA TẠI VIỆT NAM

Con người sống là thực hiện văn hóa, bởi vì văn hóa là hoạt động đặc trưng của nhân loại. nếu Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người phải khép mình trong những khuôn khổ văn hóa nhất định, thì trái lại Tin Mừng do Chúa Giêsu khởi xướng và được Giáo Hội truyền thong là sức mạnh tự chủ, tự do, là hành động của Thánh Thần “như gió tùy ý thổi, người ta nghe tiếng nhưng người ta không thể hiểu từ đâu đến và đi đâu ( Gioan 3,8 )”; nếu muốn dung văn hóa để xác định hay giới hạn Tin Mừng và sứ mạng Truyền Thông Tin Mừng của Giáo Hội thì chẳng khác nào lấy đấu để đong, lấy thùng, lấy chum để đựng gió.

Bởi đó, tuy “ văn tải đạo”, nhưng trong lịch sử thế giới, từ khi Tin Mừng xuất hiện, chưa và sẽ không bao giờ, ở bất cứ nơi đâu, có thể có một nền văn hóa xứng danh là văn hóa Kitô giáo điển hình đúng chuẩn mực. Mặc dầu, bởi trong quá trình tiếp xúc thâm niên và sâu rộng với việc truyền bá Kitô giáo, như ở Tây Âu hay ở Xhâu Mỹ Latinh chặng hạn, có một số nên văn hóa được mệnh danh là “ văn hóa Kitô giáo”, nhưng thực ra đó thường chỉ là danh hiệu tự đặt ra cho mình do thành kiến chủ quan tự tôn, hoặc do khuynh hướng minh giáo hiếu chiến, ấy chưa kể nhiều khi có những người chỉ muốn hiểu danh xưng ấy theo một ý nghĩa phê phán mỉa mai.

 Tuy nhiên, xét về bản chất chân chính, những gì Tin Mừng đã gieo vào các nền văn hóa đó, dù “chỉ nhỏ bằng hạt cải”, đều đã nẩy mầm và sinh hoa kết quả để tồn tại, cụ thể như truyền thống bác ái nhân đạo đối với những kẻ nghèo đói, bệnh tật, thương binh, tù nhân… ( Thí dụ những kiểu nói : Hội Chữ Thập Đỏ,  nhà thương, tiếng Pháp nói “ Khách sạn của Thiên Chúa”, “Hotel – Dieu”…) hoặc những tập quán hay định chế coi trọng mạng sống con nguời, đề cao phẩm giá nhân vị,  phẩm giá người phụ nữ, phẩm giá của tuổi trẻ ( Tinh thần Hiệp Sĩ thời Trung Cổ  và thời Phục Hưng ở các nước Tây Âu ), và nổi bật là lý tưởng “ Tự do, Bình đẳng, Nghĩa đồng bào” ( Liberté, Egalité, Fraternité ) của Đại Cách mạng năm 1789 trên đất nước vẫn tự xưng là “ Trưởng Nữ của Giáo Hội”…

 Như vậy nếu Truyền Thông Tin Mừng là Hội Nhập Văn Hóa ( Phúc Âm Hóa ) thì tiên thiên phải loại bỏ quan niệm và thành kiến đồng hóa việc Truyền Giáo với việc gọi là “ Du Nhập Văn Minh Kitô Giáo”, việc làm mà, vì hoàn cảnh lịch sử và tâm lý thời đại, đã được thi hành trên quê hương Việt Nam chúng ta, cũng tương tự như ở nhiều “xứ Truyền Giáo” khác, một cách phổ biến thường xuyên và còn thịnh hành cho đến ngày hôm nay. Đó là những sinh hoạt tôn giáo, những cử hành phụng tự, những nề nếp tổ chức giáo đoàn… xem qua thì có vẻ trang trọng uy nghi, nhưng thực chất chỉ là đua đòi mô phỏng những phong tục lễ hội, thậm chí cả tệ đoan nữa, của những nền văn hóa dù tự xưng hay được mệnh danh là Kitô giáo, song vẫn là xa lạ, có khi còn là kỳ quái đối với nếp sống văn hóa truyền thống Việt Nam.

 Ở đây chúng tôi nghĩ tới những tổ chức Rước kiệu, lễ Tấn phong, Truyền chức, Khánh thành, Hành hương, những kiểu kiến trúc Thánh đường, những mẫu ảnh tượng, những bài”thánh ca” và những lối trình diễn… hiện đang ăn khách rộng rãi nhưng thật ra hoặc chỉ là những lễ nghi di tích từ thời Phong kiến Trung Cổ, hoặc là mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật của thời Phục Hưng phóng túng lãng mạn, hoặc là những nét thời trang mượn cảm hứng không mấy lành mạnh trong sang của phong trào nhạc rock, nhạc pop… và các mô hình tôn giáo mệnh danh là New Age.

 Trên đây chúng tôi dẫn chứng sơ qua một ít thí dụ cho thấy việc Truyền thông Tin Mừng, hay vẫn gọi là Truyền Giáo, bằng đường lối du nhập văn hóa, như thường vẫn thi hành từ trước đến nay, chỉ đem lại những kết quả rất giới hạn, thậm chí còn là những kết quả tiêu cực, bởi nó làm cho những người còn xa lạ với Tin Mừng và Giáo Hội lại càng cảm thấy xa lạ hơn.

 Muốn thực hiện một công trình Truyền Giáo chân chính, nghiêm túc và hữu hiệu là gieo mầm sống Tin Mừng và phát triển đời sống Đức Tin, Giáo Hội Việt Nam nhất thiết phải khẩn trương thi hành một bước đổi mới có tính cách đột phá và sâu rộng, dõi theo và triển khai cuộc phát động vĩ đại aggiornamento của Công Đồng Vatican II, ở mọi phạm vi và mọi giai tầng sinh hoạt Đức Tin, kể cả cấu trúc quyền bính lãnh đạo và giáo huấn.

 Nói “đột phá” ở đây là nói theo chí hướng “metanoia et sequentia Christi”
và “trong tinh thần và chân lý” ( Gioan 4,24 ), tuyệt nhiên khác với đường lối “cách mạng văn hóa” hay “phong trào đổi mới”, như những đợt”canh tân phụng vụ” hoặc “sửa đổi lễ nghi”, hay “cải cách mục vụ” v.v…mà lâu lâu thấy nói đến, và riwêng ở Việt Nam thì việc hưởng ứng bao giờ cũng tỏ ram au mắn và rầm rộ, nhưng bao giờ cũng chỉ là sôi nổi nhất thời, hời hợt vụ hình thức, nhiều khi còn là bừa bãi do thiếu ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức, ngoài ra còn do thời thế cái khó bó cái khôn, mở dịp lộng hành cho những đầu óc hiếu động hẹp hòi, hoặc những ý đồ thâm độc chống phá Tôn giáo và Giáo Hội. kết quả là một não trạng và một nếp sống đạo tập thể, nói được là hỗn độn và tạp nhạp, mạnh ai nấy làm, tương tự như công trình “xây tháp Babel”. Giáo Hội Việt Nam lâm vào tình cảnh tương tự như tình cảnh của một đất nước mà Đức Khổng Tử nhận xét là :” Kẻ tiểu nhân mà nắm giữ việc quốc gia thì những sự tai hại liền kéo nhau tới, dẫu người hiền tài cũng chẳng làm chi được nào !” ( Đại Học, chương X )

 Tuy nhiên, nếu Tin Mừng là Hy Vọng và là Phục Sinh thì đây chính là thời “ôn cố tri tân”, kiểm điểm công tác, rút tỉa kinh nghiệm, nắm bắt tình hình, xác định chương trình và phương án thực hiện, nói tóm : Đây chính là thời điểm cập nhật công cuộc Truyền Thông Tin Mừng theo định hướng Hội Nhập Văn Hóa trên Quê Hương Việt Nam chúng ta. Và bởi đây là sứ mạng tối cao và cấp thiết mà tất cả mọi Kitô hữu Việt Nam đều được đặc cách tham dự, nên đòi hỏi tất cả chúng ta phải tiên thiên và nhất trí nhận định rằng công cuộc Hội Nhập Văn Hóa này kêu gọi ở mỗi người chúng ta tinh thần dấn thân khẩn trương và quảng đại, như lời Thánh Phaolô nhắc nhở :” Khốn cho tôi, nếu tôi không truyền giảng Tin Mừng” ( I Cor. 9,16 ) và “ Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” ( II Cor. 5,14 )

 Để khỏi đi vào lý thuyết xa vời hay lý luận vòng vo, đồng thời để tránh mặc cảm ngại nói thẳng nói thật, chúng ta chỉ cần nhìn vào những sự kiện hoàn toàn khách quan và phổ biến như là những bằng chứng hiển nhiên, cho phép chúng ta nhận định và phân tích được đâu là những nhân tố đang dệt nên nếp sống của Giáo Hội Việt Nam. Đó cũng chính là những nhân tố cần phải được tác động đúng cách và đúng mức để tạo khí thế mới, môi trường mới cho cuộc sinh hoạt khẳng định chính mình của Giáo Hội Việt Nam, đó là công cuộc Hội Nhập Văn Hóa vì sứ mạng Truyền Thông Tin Mừng trên đất nước Việt Nam.

1. HỘI NHẬP VĂN HÓA VÀ HOÀN CẢNH LỊCH SỬ XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM

 Giáo Hội Việt Nam cho đến nay chưa bao giờ gặp được một môi trường xã hội thuận lợi cho việc Truyền Thông Tin Mừng, nên chỉ trong một tình thế luôn luôn bấp bênh, công cuộc Hội Nhập Văn Hóa cũng luôn luôn gặp khó khăn, những kết quả gặt hái được đều phải trả giá đắt và rất đắt ( hy sinh tuẫn đạo ), những công trình đóng góp của Giáo hội và của người Kitô hữu vẫn bị bưng che hay đánh lạc ý nghĩa ( Thí dụ : chữ Quốc Ngữ, chương trình  văn minh hóa Đất Nước của nguyễn Trường Tộ, quần thể kiến trúc Nhà Thờ Phát Diệm, các tác phẩm văn học và ngôn ngữ học của Trương Vĩnh Ký, của Huỳnh Tịnh Cùa, họct động văn hóa giáo dục của các Trường Tư Thục Công Giáo v.v…), nói chung : thân phận Giáo Hội và người tín hữu Việt Nam vẫn là thân phận mong manh, luôn  luôn bị động bới thời cuộc, chưa có cơ duyên an cư lạc nghiệp.

 Quả thật, tại Việt Nam, công cuộc Truyền Giáo mà từ Vatican IIđược cải tên là công cuộc Phúc Âm Hóa hay Hội Nhập Văn Hóa đã được thực thi qua một thời kỳ lịch sử kể là loạn lạc triền mien : từ thời Lê suy Mạc tặc, sang Trịnh Nguyễn phân  tranh, tiếp đến Tây Sơn vừa đánh đuổi được quân xâm lăng phướng Bắc, lại chiến tranh chống họ Nguyễn phương Nam đang mưu đồ khôi phục, rồi Thực dân Pháp đô hộ, rồi nội chiến Quốc – Cộng, rồi chiến tranh chống Mỹ, rồi Cách mạng toàn thắng và v.v…Liên tục những cuộc chinh biến và chiến tranh xô đẩy xã hội Việt Nam vào khủng hoảng chính trị, kinh tế và văn hóa. “ Người Công Giáo quyết tâm sống đạo giữa lòng dân tộc”,  nhưng nếu Công Giáo phải là Công Giáo quốc doanh và nếu “ lòng dân tộc” còn ngổn ngang trăm nỗi bất bình, còn vương vít ngàn mối tơ vò, thì “sống đạo” chắc chắn không chỉ đơn giản là đập bàn hô khẩu hiệu, hay giơ tay nhất trí ký sổ lãnh phong bì.

 Chúng ta dễ hiểu mãi sao đến hiện nay công cuộc Truyền Giáo trên đất nước Việt Nam vẫn đi theo một đường lối là “văn minh hóa” cùng là “du nhập văn hóa”từ các nước Công Giáo” Tây phương. Thực ra đường lối truyền giáo ấycũng đã được coi là đường lối chính chuyên nhất, mutandis mutatis, của Giáo Hội toàn cầu : những ý tưởng về một đường lối mới, “ hội nhập văn hóa”, phải mất nhiều thời gian chờ đợi đến Công đồng Vatican II để được đem ra bàn luận và quyết nghị, còn việc thực thi và kết quả sau đó thì đến nay vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Huống chi là tại Việt Nam, một địa bàn Truyền Giáo với thời cuộc triền miên biến động và nóng bỏng, mối bận tâm của người tín hữu là xoay sở để sống sót và giữ đạo giữa vòng vây trùng điệp những nghi kỵ, hiềm khích, xách nhiễu và bách hại. Như vậy, nói rằng : Từ sau năm 1975 Giáo Hội Việt Nam đã có cơ duyên sống :” tốt đạo đẹp đời” để thực sự xứng danh là một “ Giáo Hội đã trưởng thành” thì e rằng đó là một nhận xét chưa đủ chín chắn ( Xin xem bài Thiện Cẩm O.P. trong cuốn sách hợp tác viết vềvấn đề xây dựng một nền Thần Học Việt Nam )

 Thật ra sự “trưởng thành” của một con người hay của một cộng đoàn xã hội đâu chỉ căn cứ trên sự phát triển về thể chất hay số lượng, càng không phải là kết quả tất nhiên của môi trường ý thức hệ, nhưng là căn cứ trên trình độ phát triển nhân cách cá thể và tập thể. ( Tục ngữ đã chẳng có những câu như : “ to đầu mà dại”, hoặc “khôn nhà dại chợ”… đó sao ? ) Nếu hiểu trưởng thành về sứ mạng Hội Nhập văn Hóa là như vậy, thì Giáo Hội Việt Nam đã có những thành phần rất trưởng thành và thực sự xứng đáng danh hiệu tiên tiến, tiên phong. Nhưng tất cả họ đều xuất hiện trước năm 1975. Đó là những người mà một số đã được chúng tôi nhắc tới trước đây, như : Cha Alexandre de Rhodes, chí sĩ Nguyễn Trường Tộ, Cụ Sáu Trần Lục, học giả Trương Vĩnh Ký, Lm thừa sai Léopold Cadière, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn v.v….

 Dù sao thì “Một vài con nhạn không làm nên mùa xuân”, cái khó bó cái khôn, nhất là cái khó ấy lại chính là thời cuộc, là chế độ đương quyền, là bối cảnh văn hóa xã hội, bấy nhiêu đèo ải hiểm trở hiện còn thách thức bước đường Hội Nhập Văn Hóa của Giáo Hội Việt Nam, kẻ thức thời và có trách nhiệm dù lạc quan đến mấy cũng không được phép coi thường hoặc nhắm mắt làm ngơ.

 Đã hẳn, trong công cuộc Hội Nhập Văn Hóa, những kẻ ưu tiên có trách nhiệm phải “ thức thời” chính là hang Giáo phẩm và giới trí thức Công giáo. Chúng tôi xin bàn riêng vấn đề này ở những tiết mục sau. Nói chung, thức thời là ý thức trách nhiệm, nắm bắt đúng tình hình, đúng vấn đề, hầu đưa ra những hành động đạo đức thích hợp với hoàn cảnh. Đạo lý của “chữ Thời” ( Dịch biến dịch dã, tùy thời biến dịch dĩ tong đạo dã – Kinh Dich ), cùng với đạo lý “ Nhân Trí Dũng” mà truyền thống giáo dục Việt Nam từng được hấp thụ, đã tiếp tay cho đạo lý Tin Mừng ( “…hãy giảng giải, hãy kiên trì, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…” – 2 Tim 4,2, “…đã tới thời, và là lúc này đây, những kẻ tôn thờ đích thực sẽ tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thật” – Gioan 4,23 ), tạo nên những mẫu người tín hữu sống “ thức thời” rất bi hung, dũng liệt, những nguời mà, vì Đức Tin, đã bị đặt trước những tình thế khốc liệt phải lựa chọn, thậm chí là lựa chọn giữa cái chết tự do và cái sống nô lệ.

 Tuy nhiên, vì vấn đề Hội Nhập Văn Hóa, chúng ta muốn bao quát tất cả các thời kỳ, xa xưa, cận đại hay đương kim đã dệt nên bối cảnh và trường sở của công cuộc Truyền Giáo tại Việt Nam, qua đó chúng ta sẽ nhận định đúng tình trạng đời sống của Giáo Hội Việt Nam, để nếu yếu kém thì củng cố, bế tắc thì khai thong, ấu trĩ thì trưởng thành, và phải hành động chính xác đúng lúc, đúng nơi và đúng việc.

2. HỘI NHẬP VĂN HÓA VÀ BỘ PHẬN LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI VIỆT NAM

 Nói “đúng người, đúng việc” trong công cuộc Hội Nhập Văn Hóa là nói về nhân sự, mà quan trọng hang đầu là bộ phận lãnh đạo, tức là Giám Mục Đoàn của Giáo hội Việt Nam.

 Để nói một cách cvụ thể hơn, chúng tax in mượn hình ảnh của dụ ngôn Phúc Âm. Nếu Tin Mừng là hạt giống, đất gieo là đất nước Việt Nam, thời vụ là công cuộcHội Nhập Văn Hóa, và nếu kết quả thu hoạch yếu kém thì nguyên nhân chắc chắn không tại Hạt Giống nhưng tại đất gieo và người làm thời vụ.
 
 Đầt gieo là trường sở văn hóa xã hội chúng tôi đã đề cập ở phần trên, khi nhận định về những ảnh hưởng của nó đối với công cuộc Truyền Giáo tại Việt Nam. Ở đây chúng tôi suy nghĩ về chức năng và trách nhiệm của Giám Mục Đoàn, tức Hàng Giáo Phẩm hay Hội Đồng Giám Mục, bộ phận lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Việt Nam nói chung và của công cuộc Hội Nhập Văn Hóa nói riêng.

 Để có khả năng lãnh đạo Hội Nhập Văn Hóa, các Giám Mục nhất thiết phải có một trình độ văn hóa tương xứng. Về điểm này, Giáo luật (canon 378) đòi hỏi ứng viên lên chức Giám Mục phải là người có học vị tiến sĩ hay ít ra là cử nhân Thánh Kinh, Giáo Luật hay Thần Học, cùng giả phải là người tậht sự am tường ( vere peritus ) về các môn học ấy.

 Chúng ta dễ hiểu : một khi việc Truyền Thông Tin Mừng được quan niệm đồng nghĩa với Hội Nhập Văn Hóa, thì trình độ học thức của cấp lãnh đạo Giáo Hội không chỉ giới hạn ở những môn học chuyên nhiệm về Giáo Hội mà thôi, nhưng còn mở rộng tới kích mức nhân văn toàn diện và toàn cầu ( Giáo Hội là Dân Chúa gồm mọi quốc gia, dân tộc, ngôn ngữ…) Lịch sử Giáo Hội nói chung và lịch sử Truyền Giáo nói riêng còn ghi lại rất nhiều những biến cố, những vụ việc, những tình huống mà hệ quả, tốt hay xấu, vẫn tồn tại, và có khi sẽ vĩnh viễn, cho thấy nhiệm vụ của cấp lãnh đạo Giáo Hội, đặc biệt là lập trường và khà năng văn hóacủa các vị là những yếu tố quyết định. Chúng ta có lẽ được phép đưa ra một nhận xét thẳng thắn rằng : Suốt từ thời còn có sự góp mặt của các Giám Mục ngoại quốc cho đến thời kỳ thuần túy chỉ có các Giám Mục “bản xứ”, người ta chỉ gặp được độc nhất một vị là có tầm cỡ uyên bác về văn hóa Việt Nam. Đó là Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, nguyên giáo sư Đại Chủng  Viện Huế và cố Giám Mục Giáo phận Bùi Chu.

 Như vậy, xét về cá thể cũng như xét về tập thể, bao lâu các Giám Mục Việt Nam chưa được trang bị một khả năng văn hóa thích ứng thì, nemo dat quod non habet, cộng them “cái khó bó cái khôn” do thời thế như đã trình bày ở trên, công cuộc Hội Nhập Văn Hóa tại Việt Nam, dẫu đã bắt đầu và được xúc tiến cách này cách khác, nhưng đường đi nước bước vẫn không an toàn bảo đảm, bởi chưa có được sự lãnh đạo chân chính và nghiêm túc.

 Tình trạng thiếu lãnh đạo ấy được thấy nổi cộm đặc biệt trong một số vấn đề liên quan đến nền tảng Thần học, Thánh Kinh và Phụng Vụ. chẳng hạn : Những thông đề Thần học ( và Mục vụ ) với ý nghĩa hàm hồ khả nghi như “ đẹp đạo, tốt đời “, “ sống đạo giữa lòng dân tộc”, “là người Việt Nam trước khi là người Công Giáo “, “Á Đông hóa Kitô giáo”…; các bản dịch “tradere trahere “ ( trahere cả Viễt Ngữ luôn ), Sách Lễ Roma, Sách Bải Đọc, Sách Nguyện Giờ Kinh, và một số bản dịch chính Thánh Kinh nữa…, cácbản ca, băng dĩa nhạc được tự tiện dán nhãn hiệu “thánh” hay “đạo” để dễ bề câu khách; các kiểu sang chế mới, tuy gọi là “ Việt hóa phụng vụ” hay “Phụng vụ hội nhập văn hóa” mà thực chất lại để lộ óc ấu trĩ hay lệch lạc về Thần học, về thẩm mỹ.
 
 Có ngườì ”lạc quan tếu” cho rằng Giáo Hội Việt Nam đang trải qua một cuộc bùng nổ về Hội Nhập Văn Hóa, có thể là họ chủ trương : cứ để tự do trăm hoa đua nở, rồi thời gian sẽ gạn đục khơi trong và chung cuộc sẽ là tốt. Thế nhưng ai dám bảo đảm thửa vườn truyền Giáo chỉ mọc toàn ( trăm ) hoa, và nếu những thứ cỏ rả cứ đua nhau mọc tùm lum, thì khó có ai nghĩ đó là trong ý đồ của người trồng tỉa.
Trái lại, công cuộc Hội Nhập Văn Hóa không phải như một phong trào trình diễn văn hóa hặoc sang tác văn nghệ, nhưng là cả một quá trình Sinh Hoạt Nước Thiên Chúa, từ gieo Tin Mừng đến nuôi dưỡng mầm mống Đức Tin và giáo dục đời sống Kitô hữu trên đất nước Việt Nam. Mỗi khâu sinh hoạt đều thiết yếu quan trọng và tất cả các khâu đều liên đới với nhau bằng một mối liên đới hữu cơ để sống còn.

Nói tóm lại, nếu Hội Nhập Văn Hóa là thi hành Sứ Mạng Truyền Giáo của toàn thể Giáo Hội, Thân Thể Diệu Huyền của Đức Kitô, thì ở các Giáo Đoàn riêng lẻ, với trách nhiệm lãnh đạo của mình, các Giám Mục chính là linh hồn của công cuộc Hội Nhập Văn Hóa này.

3.GIỚI TRÍ THỨC CÔNG GIÁO VÀ CÔNG CUỘC HỘI NHẬP VĂN HÓA TẠI VIỆT NAM

Đây là giới trí thức Công Giáo nói chung và giới hoạt động văn hóa nói riêng. Họ không thuộc bộ phận lãnh đạo Giáo Hội, Hàng Giám Mục, nhưng trong công cuộc Hội Nhập Văn Hóa của Giáo Hội, họ được coi là thành phần chủ lực và hậu cần quan trọng hàng đầu, không phải xét về số lượng, nhưng xét là nhân tố có khả năng tạo nên khuôn mặt và nếp sống của Giáo Hội Việt Nam.

Chúng ta phải thẳng thắn nhận định rằng : trong lãnh vực văn hóa nói chung và lãnh vực Hội Nhập Văn Hóa nói riêng, giới trí thức Công Giáo Việt Nam hiện diện khá mờ nhạt và hoạt động ít hiệu quả. Ngoại trừ một số trường hợp đã xuất hiện sáng chói nhưng lẻ tẻ trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, như chúng tôi đã nêu lên ở phần trên, xét chung sinh hoạt văn hóa trí thức của Giáo Hội Việt Nam hiện đang đi xuống, thậm chí đang tuột dốc nếu đem so sánh với quá khứ của chính mình và với tình hình chung của thế giới.

Nói trí thức ở đây là nói trí thức theo Hội Nhập Văn Hóa. Nếu trí thức nói chung là người có trình độ học vấn cao, có học vị, có tác phẩm tương xứng với những tiêu chuẩn quốc tế, thì trí thức Công Giáo Việt Nam, về số lượng cũng như về phẩm chất, có thể là không thua kém trong thiên hạ. Nhưng nếu nói theo định hướng Hội Nhập Văn Hóa thì trí thức Việt Nam mắc phải một nhược điểm có tính quyết định : đó là sự thiếu trống hoặc non yếu về những môn học chuyên ngành, về những kiến thức căn bản thiết yếu cho việc nghiên cứu vào bề dày của truyền thống văn hóa, vào bề sâu của lịch sử dân tộc Việt Nam và bề rộng của những mối tương quan với các dân tộc và các nền văn hóa khác.

Thiết thực và cụ thể hơn cà có lẽ là môn ngôn ngữ học và môn văn tự Hán – Nôm, chiếc chìa khóa mở vào kho văn chương, tư tưởng, học thuật, tức là toàn bộ tòa kiến trúc văn hóa Việt Nam, và tòa kiến trúc vĩ đại Trung Hoa, mà dân Việt nam từ xưa đã mô phòng, khai thác và “Việt hóa” đên mức tối đa cho nhu cầu phát triển văn hóa của chính mình.

Chúng tôi xin dẫn lời một vị giáo sư trường Đại Học Văn Khoa xưa, nói với các sinh viên :” Lũ chúng tôi như sao thưa lác đác, nếu các ông không giữ cho Hán học được liên tục, thì thôi ! Cũng đừng nên nói gì đến  Quốc học và Văn hóa Nước Nhà” ( Cụ Nghiêm Toản : Đề tựa cuốn Thơ Đường do Trần Trọng San biên soạn )

Nói cách khác : Đó là một nguy cơ “mất gốc” văn hóa. Đã từ lâu người Công Giáo Việt Nam bị chê trách là “mất gốc” theo ý nghĩa đó. Nghiêm mình mà nói thì trên đất nước Việt Nam này không chỉ Công Giáo mới có người “mất gốc” và mới phải giác ngộ. Biết đâu cung cách phê và tự phê kiểu đó lại chẳng để lộ một mặc cảm “ mất gốc” thật !  Chẳng hạn cũng trong bài viết về “Thần học Việt Nam” mà chúng tôi đã đề cập ở trên, tác  giả chủ trương phải trở về nguồn gốc Văn Hóa Việt Nam để nhận ra cái “ Trống Đồng” là biểu tượng hy sinh từ bỏ, trở thành không, “trống rỗng”, như cây Thập giá của Chúa Giêsu; cũng thế hao văn chim bay lượn và đoàn người cải trang thành chim đang múa nhảy, khắc chạm trên mặt “ Trống Đồng” phải là nguồn cảm hứng để sáng tác các  “vũ điệu dân tộc”  cho việc cử hành phụng vụ. Thật ra, chúng ta đều biết : Nền “Văn Minh Trống Đồng” lan tỏa trên một vùng địa lý rất rộng bao gồm rất nhiều dân tộc, chứ không chỉ riêng trên lãnh thổ Việt Nam; mặt khác, hoa văn “chim bay lượn” và “vũ công hóa trang chim” không nhất thiết cho phép lẫn lộn chữ…Vũ = long chim, cánh chim,…với chữ…Vũ = nhảy múa, khiêu vũ…

Xem quả biết cây : Tình trạng giới trí thức Công Giáo kéo theo tình trạng sinh hoạt văn hóa và Hội Nhập Văn Hóa của Giáo Hội. Chúng ta nên kiểm điểm hiện tình đó, tuy khái quát, nhưng chính xác và cụ thể tối đa, bằng cáh chỉ tập chú vào bộ phận trung tâm đầu não của những sinh hoạt văn hóa cơ bản và thiết yếu nhất.

Nói chính xác và cụ thể thì đó là một hệ thống những cơ sở và những phương tiện phải có để Giáo Hội có thể thi hành sứ mạng Truyền Giáo của mình, như : chủng viện, đại học, học viện, trường giáo dục, đào tạo, cơ quan thông tin, giao lưu văn hóa…

Tất cả các thiết bị lớn nhỏ đó, hoặc đã hoạt động ổn định từ lâu, hoặc mới trịển khai, đều đã bị các cơn lũ thời cụôc cuốn trôi hết. Hiện nay người ta có nói tới một số chủng viện và một số “học viện” ( Trường đào tạo Tu Sĩ Dòng ) đã được Chánh Quyền cho phép mở cửa lại, nhưng khả năng sinh hoạt cũng như phẩm chất kết quả của các trường này còn rất giới hạn.

Nhìn vào bấy nhiêu đó, người có chút hiểu biết chắc chắn không thể cho rằng Giáo Hội Việt Nam đang sống “ tốt đời đẹp đạo”, đang được thoải mái tự do “ sống đạo giữa lòng dân tộc” . Thật ra thẳng thắn mà nói : tư tưởng trí thức là tư tưởng tự do nhân bản, bao dung và sáng tạo. Thiếu một môi trường trí thức chân chính thì nguyên việc phát triển, giao lưu văn hóa đã là công việc rất khó thực hiện, huống chi là công cuộc Hội Nhập Văn Hóa của một Giáo Hội như Giáo Hội Việt Nam.

Để kết thúc tiết nhận định khái quát tình hình trên đây, chúng tôi xin them một suy nghĩ :

Nếu văn hóa là nghệ thuật sống, sống tốt, sống đẹp, sống vui, thì Tin Mừng chính là nguồn sống ấy của ngưiời Kitô hữu. Chúng ta cần phải đào sâu và mở rộng ý nghĩa có tính định đề tiên quyết đó của Tin Mừng : vì chính Đức Giêsu cũng phải mang mộtđịnh mệnh văn hóa vào thân, nên Tin Mừng của Ngài được truyền thông ở bất kỳ nơi đâu cũng phải mang một định hướng hội nhập văn hóa. Do đó, người Kitô hữu chân thành sống và truyền thong Tin Mừng thể nào, thì họ cũng tham gia việc xây dựng và phát triển văn hóa như vậy, bởi vì sống đạo đối với họ là chứng nghiệm một nếp sống văn hóa nhân bản kiện toàn. Mà chứng nghiệm ở đây cũng là chính tá bằng chính đời sống của mình, đến nỗi chúng ta có thể nòi được rằng “ Các vị Thánh Tuẩn Đạo là những người đã chết vì một nền nếp văn hóa, văn hóa thường nghiệm và cho  một nền nếp văn hóa, văn hóa siêu nghiệm.

Như vậy, khi kiểm điểm công cuộc Truyền Giáo và Hội Nhập Văn Hóa của Giáo Hội Việt Nam, chắc chắn chúng ta không thể không nhận thấy những mảng thiếu sót, những khâu non yếu, những bước vấp váp … mà lẽ ra không đáng có. Thay vì lấy mặc cảm trút hết trách nhiệm lên đầu mình, như một số người, trong đó có cả linh mục, giám mục đã làm. ( Thậm chí họ coi cuộc Lễ Phong 117 Thánh Tuẫn Đạo Việt Nam năm 1988 là vi phạm chủ quyền quốc gia, là không thích hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam ! ) chúng ta hãy rút kinh nghiệm từ trong lịch sử Giáo Hội  nói chung và lịch sử Giáo Hội Việt Nam nói riên : Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Kitô, chung sống với con người trên thế gian như kẻ “làm dâu trăm họ”, tránh sao khỏi những nỗi bất bình, nếu có lục đục chuyện gì thì thường cũng là “ tại anh, tại ả, tại cả đôi bên “.

Thật ra văn hóa là “trồng người” ( Luận Ngữ : Bách niên chi kế dĩ thụ nhân ). Dân tộc Việt Nam đã bắt đầu sinh hoạt văn hóa từ bốn, năm ngàn năm trước đây, trải qua bao nhiêu là thăng trầm, là giao lưu và va chạm với các dân tộc và các nền văn hóa khác với mình. Người Công Giáo Việt Nam có mặt từ bao giờ, họ đã làm gì cho đất nước và df9ất nước đối xử với họ ra sao, để rồi đứng trước nguy cơ đạo đức, văn hóa đang băng hoại trên đất nước, nhửng ai kia lại nghĩ rằng chỉ có họ là phải chịu trách nhiệm !

Tuy nhiên, không mặc cảm tội lỗi không có nghĩa là  Giáo Hội Việt Nam không phải qua tâm kiểm điểm phần đóng góp của mình cho việc thăng tiến đời sống của người Việt Nam. Vì chủ yếu là đem Tin Mừng vào đời sống qua con đường văn hóa, và vì chính Giáo Hội trực tiếp lãnh đạo và điều hành, nên gọi đó là công cuộc Hội Nhập Văn Hóa tại Việt Nam.

Công trình ấy chỉ có thể thực hiện được một cách nghiêm túc và hữu hiệu, nếu các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình, thấy rõ được tình hình và xử lý đúng các hoàn cảnh, để từ nhận thức đi đến quyết tâm khẩn trương cập nhật sứ mạng Truyền Thông Tin Mừng theo định hướng Hội Nhập Văn Hóa, mà công đồng Vatican II đã đặc biệt nhấn mạnh.

( Còn tiếp )

SUY NGHỈ 2 : Lịch Sử Truyền Giáo và định hướng Hội Nhập Văn Hóa
SUY NGHĨ 3 : Hội Nậhp Văn Hóa tại Việt Nam: phạm vi thực hiện cụ thể