Tết Ta hay Tết Tàu

Ngày 15 tháng 6 năm 2006, Bộ Thông Tin Văn Hóa của nhà nước Việt Nam gửi thông tư đến các ban ngành liên quan, ấn định ngày Tết Nguyên Ðán Ðinh Hợi 2007. Theo đó, ngày mồng một Tết sẽ vào ngày 17 tháng 2 năm 2007, trong khi lịch Trung Quốc, thì Tết Nguyên Ðán lại rơi đúng vào ngày 18 tháng 2 năm 2007.

Theo Bộ Thông Tin Văn Hóa Việt Nam thì vào hồi hơn 23 giờ ngày 17 tháng 2 năm 2007 là đã sang ngày mồng Một Tết, do đó nguyên ngày 17 tháng 2 được coi là mồng Một Tết. Còn bên Tàu, người ta lý luận rằng, từ 23 giờ trở đi, theo âm lịch, được kể là sang ngày hôm sau, vì ngày âm chỉ có 12 giờ, và giờ Tý gồm 2 giờ dương lịch, khởi đầu từ giờ 23 đêm hôm hôm trước, đến hết 24 giờ.

Ai đúng ai sai, chúng ta không cần bàn đến. Chỉ biết mừng là vào ngày 17 hay ngày 18, dân ta cũng đều được nghỉ, vì đều rơi vào thứ Bảy và Chúa Nhật. Giờ của dân Tàu đi trước giờ của Việt Nam một tiếng đồng hồ, nay thì ngược lại dân Việt Nam ta ăn Tết trước dân Tàu một ngày, điều này cũng có thể tự hào rằng dân ta là dân tiên tiến cần phải đi trước vậy. Thực ra, ở nước ta chuyện điều chỉnh lịch âm này, không phải cá biệt lần đầu. Vào năm Mậu Thân 1968, nhà nước Việt Nam đã từng cho dân miền Bắc ăn Tết sớm đến cả đôi ba ngày, so với miền Nam, để sau đó tổng tấn công đánh chiếm miền Nam một cái rụp cho nó nhanh!

Thuở xưa bên Phú Lăng Sa, dưới triều Nã Phá Luân đại đế, người ta còn chế ra dương lịch mới, như tháng Sương Mù, tháng Mưa Dầm, tháng Gặt Hái… làm dân chúng tập làm quen bở cả hơi tai. Ðể rồi sau khi đại đế Napoléon chết rũ tù tại đảo St Hélène, dân Pháp lại vui vẻ quay về với dương lịch truyền thống.

Phải chăng Nã Phá Luân không muốn dùng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu, để làm cột mốc thời gian cho nhân loại dưới cõi thế này, nên mới chế ra lịch mới? Hoặc ngài đại đế ấy, vốn đã bá chủ cõi Âu Châu thật rộng lớn và hoành tráng, lại còn muốn tỏ ra là bá chủ cả thời gian?

Con người chúng ta hiện đang sống trong không gian 3 chiều, và trong 3 thì của thời gian: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Ðiều đó chứng tỏ cái hạn hữu của con người quá nhỏ nhoi so với với không gian vô tận và thời gian vô biên. Thế mà con người lại muốn lấy cái hữu hạn của mình để khám phá cái vô tận, vô biên kia! Khi không thể hiểu nổi, thì bèn cho rằng chẳng có gì ngoài cái hạn hữu này cho xong chuyện!

BB – Trần Đức Thắng