Hội Nhập

1. VĂN NGHỆ

Ngoài các giờ giấc nghiệm ngặt và chính khóa như đức dục và trí dục Lâm Bích còn tổ chức các hoạt động văn nghệ thật quy mô giúp chủng sinh có điều kiện phát triển năng khiếu hoặc có thêm bản lĩnh hội nhập vào xã  hội sau này. Vào niên khóa 1971-1972 chủng viện đã dựng vở Mai Hoa Công Chúa, Anh Hồ văn Thiện đạo diễn. Tất cả tổ chức được 5 buổi công diễn, điều đó đủ nói lên mức độ thành công. Vai công chúa Mai Hoa được giao cho anh Đỗ Bắc Du và anh Nguyễn Đức Quang đã nhập vai giáo sĩ. Ngoài chính kich còn có hợp xướng, đơn ca, múa,tiểu phẩm …

Thanh Cát Tư Hản

Đến năm 1972-1973 cha giám học Nguyễn Quang Thạnh giới thiệu vở kịch Thành Cát Tư Hãn, Anh Trần đức Thắng và Anh Đào văn Hoàng làm đạo diễn. Đây là vở kịch gần như độc quyền của Sivida (Hội sinh viên Đà Lạt ) mà tác giả Vi Huyền Đắc cũng đồng thời làm đạo diễn  cho Sivida. Tưởng rằng vở kịch khá chọn lọc khán giả này khó thành công ở Nha Trang, nhưng khi công diễn đã gặt hái được những  khích lệ đáng kể. Khâu tuyển lựa diễn viên  được thực hiện kỹ lưỡng và công phu. Sau ngoại  hình, khả năng diễn xuất, các diễn viên còn phải được thu âm giọng nói vào băng để được thẩm định mức độ biểu cảm.

Trong hơn một tháng luyện tập  vào các buổi chiều  (giờ ra chơi thể  thao)  toàn bộ diễn viên đã thuộc  lòng lời thoại. Anh Trần Mậu Thành được chọn làm diễn viên chính:  Thành Cát Tư Hãn. Lối diễn xuất khá sắc sảo, sống động  của anh góp phần không nhỏ vào thành công của vở kịch này, Anh Lê Đức Hòa vào vai Dương Bân và…….. Phần tạp diễn nhờ có ban nhạc do  anh Nguyễn Thiết phụ trách cũng rất sôi nổi, đặc sắc.  Phụ trách âm thanh ánh sáng là anh Nguyễn Văn Hiển.

Vở Thành Cát Tư Hãn  được bán vé để gây quỹ văn nghệ. Anh em chủng sinh đều được phân công đến các trường học để bán vé trực tiếp cho học sinh. Ngoài ra chủng viện còn dành 2 suất cho vé mời. Trước tiên là dành cho giới trí thức ở Nha Trang, gồm các thầy giáo,  sư huynh, các sơ, các dòng tu,  chủng viện. Buổi diễn sau cùng phục vụ quí cha cấm phòng hằng năm tại TGM.

Chính buổi diễn này gây không ít ngạc nhiên cho quí cha. Trong vòng 1 giờ sân khấu được lắp đặt hoàn chỉnh cùng các thiết bị âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi…..Và sau khi diễn xong một giờ, tất cả đều  được dọn đi, trả lại hành lang trống trải của TGM như mấy giờ trước đây. Đây  cũng  chính  là một nét son trong khâu  tổ chức của chủng viện.

2. HỘI CHƠ

LogoSang niên khóa 1973-1974 ban văn nghệ đã chuẩn bị  thực hiện vở kịch Tóc Mây, sau khi được tác giả Lệ Hằng đồng ý cho phép chuyển sang kịch bản. Nhưng tiếc thay,  bão lụt miền Trung năm 1973 đã  làm thay đổi kế hoạch.  Hội Liên Trường Công giáo Nha Trang gồm Lasan Bá Ninh, Hưng Đạo, Vinh Sơn và Chủng Viện Lâm Bích đã quy tụï nhau lại để tổ chức Hội Chợ gây quĩ  cứư  trợ  đồng  bào bị nạn.

Mỗi trường được phân công phụ trách  cụ thể  một gian hàng và độc lập thu chi..Chủng viện Lâm Bích bao sân khá rộng vì nhân  sự có tổ chức và ý thức trách nhiệm cao. Ngoài một gian hàng chính giới thiệu sinh hoạt Lâm Bích, chủng viện còn phụ trách thêm  cửa hàng giải khát, một ban nhạc  thường  trực và toàn bộ các điểm giữ xe.  Do đó số ngân khoản  chủng viện Lâm Bích  đóng góp vào  quĩ  cứu  trợ cao nhất. Mỗi khách vào tham quan Hội Chợ đều được anh em tiếp tân của Lâm Bích gắn lên túi áo một phù hiệu của Ủy Ban Cứu Trợ Lâm Bích, mẫu  huy hiệu này do anh Trần Kim Thiện đã đoạt giải thiết kế.

3. BÁO CHÍ

Về lãnh vực thông tin, chủng viện xuất bản tờ báo Tiến Bước. Đây không hẳn là tờ nội san mà thôi, hơn thế nữa Tiến Bước còn là chiếc cầu  nối, liên  lạc với các chủng viện các nơi khác.Tiếc thay, cùng với số phận chủng viện, tờ Tiến Bước mới ra được 8 số thì tạm ngưng.

4. PHÁT THANH

Hằng tuần trong giờ ăn trưa Chủ Nhật, chủng viện có chương trình phát thanh nội bộ. Ngoài ban văn nghệ chủ trì, còn có các ban khác cũng tích cực tham dự như phụng vụ, ban nhạc, báo chí ….Tất cả chương trình chỉ gói gọn trong 15 –20 phút,  được thực hiên tại phòng học riêng,  kế phòng y tế trên lầu 1..

Ngoài ra hằng năm, chủng viện  còn thực hiện  chương trình phát thanh của TGM để phát trên đài phát thanh  Nha Trang, nhân dịp Noel. Phần lớn thời lượng chương trình là các bài Thánh  ca do chủng viện Lâm Bích và dòng Khiết Tâm  Bình Cang cùng thực hiện. Anh Nguyễn Xuyên thường dẫn chương trình với giọng phát âm  rất chuẩn, ấm áp và trang trọng. Và trọng tâm của chương trình  này chính là bài giảng của ĐGM Phanxicô Xaviê  Ngyễn Văn Thuận.

5. ÂM NHẠC

Bắt đầu  từ  niên khóa 1973-1874, chủng viện tổ chức chương trình Nhạc Thứ Bẩy, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của toàn thể anh em. Hằng tuần, vào hai bữa cơm ngày thứ bẩy, chương trình âm nhạc được chọn lọc, và được biên tâp chu đáo. Ngoài những  album Nhạc Trẻ đang thịnh hành, còn có những buổi nhạc có chủ đề khác như: nhạc tiền chiến, nhạc hoà tấu, nhạc cổ điển…

6. VÕ THUẬT &THỂ THAO

Để tăng cường cho hoạt đông thể dục thể thao có phần nào hạn chế, chủng viện còn mở thêm một lớp huấn luyện võ thuật Judo. Những thành viên tham gia đã cùng với Lm. Nguyễn quang Thạnh tích cực gầy dựng phòng tập. Anh Trịnh Hoà Đào lái xe Ford chở anh em đi lấy trấu về làm thảm. Ngoài ra,  các bộ môn thể dục dụng cụ khác chỉ có tính tự phát thôi. Còn riêng môn bơi lội thì phát triển đại trà:  Nhiều anh em nhờ vào Lâm Bích mới biết bơi, vì không bơi thì chỉ còn môn duy nhất là bóng chuyền.