Thập Đại Huynh Đệ – Từ Di Ngôn Đường Hy Vọng

Thập Đại Huynh Đệ
Từ Di Ngôn Đường Hy Vọng

Trong 36 chương gồm 1001 câu di ngôn của Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận, ghi lại trong tác phẩm Đường Hy Vọng, không có chương nào dành riêng cho đề tài huynh đệ. Nhưng chúng ta lại tìm thấy chủ đề này tập trung trong chương 31, Bác Ái ( gồm 70 câu, từ số 737 đến 806 ). Như thế chính Bác Ái được hiểu là nền tảng của huynh đệ. Bác Ái là đồng phục, là tâm điểm quy tụ Anh Em, là một phương tiện Anh Em đạt tới cứu cánh trên Đường Hy Vọng.           

Chúng ta còn có thể tìm thấy đề tài huynh đệ được điểm xuyên suốt Đường Hy Vọng, như câu 458 trong chương 18, Trong Trắng, câu 593 trong chương 25, Phát Triển, câu 613 trong chương 26, Dấn Thân…Chúng ta tập trung  các câu về huynh đệ trong ĐHV và tạm thời tóm gọn lại trong 10 điều.                       

1. Đồng Phục
Huynh đệ có một trang phục thống nhất là Tình Yêu, một đồng phục rẻ tiền nhưng khó kiếm, mà nhiều khi Anh Em làm nhàu nát, hay vô tư đánh mất lúc nào chẳng biết !           

Chúa chỉ bắt các Tông Đồ mang một đồng phục rẻ tiền mà khó kiếm: Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta : ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau !”( Ga 13,35) ( 748)                       

2. Khiêm Nhường           
Là Anh Em phải tự hạ, khiêm tốn như anh thuế vụ ăn năn đấm ngực, khép nép cuối nhà thờ. Huynh đệ không có chỗ cho kiêu ngạo hay phàn nàn, trách móc và săm soi, xét đoán lẫn nhau, như kẻ xa lạ, như chủ tớ lạnh lùng cư xử với nhau…
       
    
Tính xấu của tôi, tôi cho là nhân đức. Thiện chí của Anh Em, tôi gọi là khuyết điểm” (763)
           
“Con không thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của Anh Em ?” (764)
           
“Tại sao con ghi khắc khuyết điểm của Anh Em vào bia đá, còn tội lỗi của con thì viết trên cát ? (776)
           
“Trước khi xét đoán ai, con hãy cầu nguyện, rồi hãy làm như Chúa Yêsu trong trường hợp con.” (737)
           
“Phàn nàn là một bệnh dịch hay lây, triệu chứng: bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí kết hiệp  với Chúa.”( 739)
           
“Sao con trách móc, khi người ta phụ ơn con ? Công nghiệp của con mất đi sao ? Hay là con bắt Chúa cám ơn con ?” Những gì các ngươi đã làm cho một người trong các Anh Em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta !” (Mt 25,40) (784)
           
“ Đừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ mà họ chưa nói.” (744)
           

3. Khoan Dung
Với Anh Em, không chấp quá khứ lỗi lầm, không bới lại tì vết của nhau để lên án, nhưng chỉ nhìn nhận nhau trong hiện tại để yêu thương giúp đỡ nhau. Huynh đệ cũng không phải là thẩm phán, quan toà của nhau, nhưng phải là đầy tớ biết ân cần phục vụ lẫn nhau.           

“ Tôi không muốn biết, muốn nhớ quá khứ của Anh Em. Tôi chỉ muốn biết hiện tại của Anh Em để thương nhau, nâng đỡ nhau, và tương lai để tin nhau, để khuyến khích nhau” (458)  
“Tại sao ngày nào con cũng lập toà án và bắt Anh Em con diễu hành lần lượt qua đó ? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế quan toà, không bao giờ con ngồi băng bị can ?” (772)  

4. Hòa Giải           
Anh Em không thể xem ai là thù địch, vì mọi người là huynh đệ, mặc dầu người ta có thể  ghét bỏ, coi Anh Em là thù địch của họ. Bởi chưng sôi sục thù hận trong lòng, thì nào có bình an, nào xứng danh Kitô hữu, nào còn gì là tình bằng hữu huynh đệ.          
 
Chúa nói: Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra Anh Em có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hoà với Anh Em ngươi đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi” (Mt 5,23-24). Còn con, con làm ngược lại: cứ dâng lễ và phóng thanh cho mọi người biết, trừ ra gặp đương sự. Tin Mừng của con!” (752)
           
“ Con phải nói được cách thành thực rằng : Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là Anh Em tôi.” (793)
           
Con không lường được người say rượu có thể làm hại đến thế nào : đâm chém, đốt nhà, giết người…Khi con say vì đam mê hận thù, con càng mất sáng suốt hơn thế nữa.” (747)
           
“ Chúa Yêsu không dạy yêu người” bằng tình cảm,” vì Chúa dạy con yêu cả kẻ nghịch của con. Yêu là thành thực muốn sự lành cho họ và làm tất cả để họ được hạnh phúc. Điều ấy đòi buộc con phải hoàn toàn quên mình.” (767) 
           

5. Quả Tim           
Anh Em đối thoại với nhau không chỉ bằng đầu môi chóp lưỡi, mà cần bằng cả quả tim, thì mới đồng cảm cùng nhau, tâm hồn mới xích gần nhau. Nhưng yêu thương nhau tích cực thì không chỉ vuốt ve tự ái của nhau, mà có khi làm phiền nhau vì sự thật, vì lợi ích của nhau.
      
     
“Nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn chỉ dùng lưỡi để đối thoại, nếu biết dùng lưỡi để đối thoại với nhau. Nếu biết dùng quả tim đối thoại đúng đắn, tâm hồn họ sẽ xích lại gần nhau.” (877)
 
“Yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều họ, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ.” (766)
           
“ Tại sao con hà tiện một tiếng khen ? Tiếc nuối một nụ cười, một siết tay với người ta ? Bao nhiêu người không cần bạc tiền, chỉ cần lòng con.” (785)
           
Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Thiên Chúa; đâu có thù ghét, ở đó có hoả ngục.” (749)
 
“ Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói, mà bằng việc làm. Hãy yêu thương bằng tay mặt, mà tay trái không biết.” Các con hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con ( Ga.15,12)  (755)
           
“ Mỗi chiều tối, trước lúc lên giường ngủ, con phải nói được rằng: “ Suốt ngày hôm nay, tôi đã yêu thương.” (781)
 

6. Hy Sinh           
Anh Em quan tâm, giúp đỡ, gặp gỡ, trao đổi, đối thoại để chinh phục nhau về với Chúa chẳng phải đã là hy sinh cho nhau, hao mòn vì nhau ?
       
    
Con nắm vững một đường lối Tông Đồ :” Thí mạng vì Anh Em”, vì không có tình yêu nào lớn lao hơn. Con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục Anh Em về với Chúa.” (981)
            

7. Hiệp Nhất           
Ut Sint Unum, lời khẩn nguyện của Chúa Yêsu vẫn còn đang vang dội vào xã hội phân hóa hôm nay vì cá nhân chủ nghĩa. Anh Em chúng con nào đứng vững riêng rẽ được, mà phải hiệp lại, nương tựa vào nhau mà sống theo Chúa, hòng chống lại phong ba trần thế, gió bão cám dỗ, thế lực ma quỷ. Chúng con cần siết chặt tay nhau trong tình yêu và hành động.
         
  
“Sống huynh đệ rất đẹp, Chúa bảo :” Đâu có hai hay ba người hiệp nhau vì danh Thầy, thì Thầy ở đó.” Chúa biết khó, nên Ngài đòi con số tối thiểu, ngài không đòi hơn hai hay ba.” (745)
           
“ Cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau khỏi ngã lúc gió bão.” (746)
           
“Một huynh đệ đoàn đích thực là một sự hiệp nhất, nó không nguyên tử hóa con người, ngược lại nó nhân vị hóa.” (779)
           
“Không ghét ai chưa đủ, thương người chưa đủ, giúp người chưa đủ. Hiệp nhất trong tình yêu và hành động mới đủ. Chúa Yêsu cầu xin :” Xin Cha cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” (802)
 

8. Hợp Tác           
Tu đức ngày hôm nay là Anh Em hội họp, trao đổi, hợp tác.
    
       
Ngày xưa, tu đức là ăn chay, đánh tội, thức khuya dậy sớm, sống thinh lặng. Ngày nay, tu đức là sống giữa huynh đệ đoàn: hội họp, trao đổi, hợp tác.” (780)
                      

9. Chia Sẻ           
Anh Em chia sẻ nhau tình cảm, tâm tư, tiếng gọi để cùng thăng tiến.
        
   
“Con không muốn làm một mình, con muốn làm cho người khác cùng biết làm, con không muốn dâng hiến một mình, con muốn người khác cùng dâng hiến, con không muốn tạo cảm tình cho cá nhân con, con muốn thúc đẩy người khác mở rộng vòng tình cảm đến Anh Em, như một hòn đá tung xuống nước, cứ gợn sóng ra mãi, để lôi kéo họ ra khỏi chính mình, và trở nên con người như ý Chúa muốn từ đời đời.” (613)
            

10. Phát Triển          
Đỉnh cao của tình huynh đệ là phát triển con người nhau toàn diện, từ nhận thức, suy luận đến hành động để  Anh Em cùng nhau tiến về cùng đích là đoàn tụ với Thiên Chúa của Tình Yêu trên Quê Hương Nước Trời.
   
        
“Thực là khó ! Nhưng con phải quyết tâm giúp cho người khác :
– Biết vùng dậy.– Biết suy tư.
– Biết tổ chức.
– Biết chiến đấu.
– Biết chống lại  ý con khi cần
Con sẽ hạnh phúc thật, vì Anh Em cùng thăng tiến với con.” (593)
“Phát triển nói cách cụ thể là một quả đất, ở đó chúc thư Chúa Yêsu được thực hiện. Mọi người yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, san sẻ nhau trong tình huynh đệ phổ cập.” (604)
“ Bác ái liên kết con người thành một cộng đồng làm phát sinh những mối tương quan mới. có tương quan mới, sẽ có thế giới mới.” (799)     
    
Nhưng sống tình huynh đệ không phải lúc nào cũng ngọt bùi, êm ái, nhưng nhiều khi Anh Em còn cảm thấy lắm dư vị đắng cay. Vậy ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận đã tịên liệu  an ủi chúng ta :
       
    
Đừng phàn nàn cà phê đắng, chỉ tại đường của con không ngọt đủ.” (790)
 

CdLâmBích