Tưởng Niệm Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: Giữ cho ghi nhớ về Người còn sống mãi
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và hồ sơ xin phong chân phước của ngài đang được cứu xét, Giáo hội thấy rằng có nhiều điều cần được học hỏi từ con người Việt nam yêu nước, chứng nhân của đức tin và ngôn sứ của hy vọng này. Sau đây là bài của LM tiến sĩ Peter Phan Đình Cho viết bằng Anh ngữ đăng trong nguyệt san Columbia số tháng 9 năm 2007, được PHụng Nghi dịch ra Việt ngữ. LM Cho là giáo sư về Tư tưởng Xã hội Công giáo – Phân khoa Thần học trường đại học Georgetown, Washington D.C
Đối với hầu hết mọi người, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) trước hết và chủ yếu, là một vị Giám mục Công giáo Việt nam bị chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam cầm tù suốt 13 năm (1975 – 88 ), trong đó có 9 năm bị biệt giam. Sau khi ngài được thả và bị cưỡng bách phải lưu vong, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt ngài làm Phó Chủ tịch (1994) rồi Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình (1998) và Hồng Y (2001).
Đức Hồng Y Thuận nổi danh khắp thế giới với tư cách là người hướng đạo tinh thần đầy linh ứng, kiên định bắng 4 tác phẩm bán chạy nhất và được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Đường Hy Vọng, Những Lời Kinh Hy Vọng, Những Lời Can Đảm, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá. Điều đáng ngạc nhiên là hai tác phẩm đầu được viết trong thời gian ngài bị cầm tù.
Tinh thần ái quốc sâu xa
Cũng giống như tất cả các nhân vật phi thường, Đức Hồng Y Thuận được tưởng nhớ bằng nhiều cách khác nhau tùy theo quan điểm và sở thích của từng người. Tuy nhiên, điều ghi nhớ thông thường nhất về ngài, đó là một con người hiền lành và khiêm nhường dù ở chức vụ cao cấp là Hồng Y, hoàng tử của Giáo hội. Ngài là một Kitô hữu kiên cường vẫn giữ lòng trung thành với Giáo hội Công giáo qua những đau khổ lớn lao. Người khác nhớ ngài như là một vị mục tử và nhà lãnh đạo khôn ngoan, viễn kiến. Một số người nữa, có lúc ngẫu nhiên, lại nói về ngài như một vị thánh. Giám mục Giampaolo Crepaldi, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đầu năm vừa qua loan báo rằng tiến trình xin phong chân phước cho Đức Hồng Y Thuận chẳng bao lâu nữa sẽ được khai triển.
Nhận chân rằng sự thánh đức Kitô giáo là đặc điểm chính yếu nơi Đức Hồng Y Thuận, trong bài báo này tôi muốn vẽ nên hình ảnh của ngài với ba nét lớn. Nét đầu tiên là lòng ái quốc sâu xa. Tên họ của ngài, Nguyễn, là tên gia tộc Việt nam thông thường nhất. Tên họ này gây ấn tượng sai lầm sự kiện là ngài dòng dõi họ Ngô, một trong những gia tộc ái quốc nhất trong lịch sử Việt nam hiện đại. Ngài thừa hưởng tên họ từ người cha tên Tađêô Nguyễn Văn Ấm, nhưng mẹ ngài là Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, và qua người mẹ này ngài liên hệ với một danh sách dài những nhà ái quốc tên tuổi. Ông ngoại của ngài tên Ngô Đình Khả, một trong những vị quan lại cao cấp nhất trong triều đình vua Thành Thái đã tranh đấu cam go đến cùng để giành độc lập cho Việt nam từ tay người Pháp. Cậu của ngài là Ngô Đình Khôi và em họ tên Ngô Đình Huân (con trai ông Khôi) đã bị Việt minh cộng sản giết hại.
Mặc dầu xuất thân từ một gia đình có lịch sử yêu nước lâu dài, điều mỉa mai đến bi thảm là sự bổ nhiệm Nguyễn Văn Thuận vào chức vụ Tổng giám mục phó Saigon (nay là Thành phố Hồ chí Minh) năm 1975 bị chống đối bởi một nhóm linh mục liên kết với Phong Trào Công giáo Yêu nước. Sự bổ nhiệm của ngài cũng bị chính phủ cộng sản Việt nam tố cáo là âm mưu của “đế quốc” Mỹ và Vatican. Ta không ngạc nhiên khi thấy một trong những quan tâm cấp bách nhất của Đức Hồng Y Thuận trong lúc bị cầm tù là cổ võ và hướng dẫn người Công giáo Việt nam. Trong các sứ điệp của ngài đưa lén lút từ nhà tù ra, sau này được xuất bản trong cuốn Đường Hy Vọng, ngài thôi thúc đồng bào của mình trung thành với Chúa Kitô và yêu tổ quốc, nhất là trong những thời gian thử thách dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Trong cuộc gặp gỡ với các thanh thiếu niên Việt nam khắp thế giới, ngài nhắc lại bổn phận phải yêu đất nước quê hương. Bằng một giọng tha thiết, ngài viết:
Con có một tổ quốc Việt nam
Quê hương yêu quý ngàn đời
Con hãnh diện, con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sĩ oai hùng…Con phục vụ hết tâm hồn
Con trung thành hết nhiệt huyết
Con bảo vệ bằng xương máu
Con xây dựng bằng tim óc
Vui niềm vui đồng bào
Buồn nỗi buồn của Dân tộc(Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, trang 91-92)
Sứ điệp vang vọng về tình yêu nước này còn cấp thiết hơn bao giờ hết, vào lúc hơn 30 năm sau ngày chiếm đóng của cộng sản, khi hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Việt nam, rải rắc khắp hoàn cầu, tự hỏi phải làm gì trong cuộc sống của họ. Lòng ái quốc này không phải là tình cảm lãng mạn đối với những gì là Việt nam, thuộc về Việt nam, mà nó đòi hỏi các nỗ lực bền bỉ và hao phí để thúc đẩy hòa bình và công lý, nhất là nhân quyền (đặc biệt là quyền tự do tôn giáo) trong một quốc gia còn bị quặn đau vì nghèo đói, tham nhũng, đàn áp tôn giáo và cai trị độc đảng. Tình yêu nước này là một khía cạnh của điều Đức Hồng Y Thuận gọi là “linh đạo chính trị” của ngài, được cảm hứng không phải chỉ do lý tưởng phục vụ công ích ngoài thế tục mà còn bởi Tin mừng của Đức Giêsu, mà ngài không ngừng đề cao khi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình.
Nguồn Trợ Lực Tinh Thần
Không chỉ là một người ái quốc, Đức Hồng Y Thuận còn hơn thế nhiều, là một chứng tá hay “vị tử đạo” vì đức tin. Dĩ nhiên, ngài không bị chính quyền cộng sản Việt nam hạ sát vì đức tin Kitô giáo của mình, nhưng ta có thể biện luận rằng, các bệnh tật và cái chết tương đối sớm của ngài là kết quả trực tiếp do 13 năm khổ cực tù đầy. Lúc đầu, vì khiêm tốn, ngài ngần ngại không muốn kể lại những đau đớn và cực khổ, cả thể xác và tâm lý, ngài phải chịu trong lúc bị giam cầm. Tuy nhiên, đôi khi ngài nhận ra rằng câu chuyện đời mình có thể là nguồn trợ lực tinh thần cho người khác, vì vậy ngài bắt đầu cuộc “tử đạo” của mình, nghĩa là làm chứng nhân cho Chúa bằng cách thuật lại những gì Chúa đã làm cho ngài.
Trong cuốn Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá và đặc biệt trong Chứng Nhân Hy Vọng, là một tập hợp các bài ngài giảng trong tuần cấm phòng Mùa Chay năm 2000 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Thuận khéo léo, nhưng thật giản dị đan dệt những mảnh nhỏ của chuyện đời mình với các suy tư sâu sắc dựa trên các giáo huấn của Đức Giêsu và các thánh. Kết quả là, hai cuốn sách đó và tập hợp các kinh nguyện của ngài trong cuốn Những Lời Kinh Hy vọng (mà ngài viết trong tù bằng tiếng Ý dưới nhan đề Học tiếng Ngoại Quốc để các quản giáo không hiểu được và tịch thu mất) đã trở thành các tác phẩm cổ điển về linh đạo cho thời nay.
Trong sự làm chứng/tử đạo này, Đức Hồng Y Thuận thẳng thắn chia sẻ các tư tưởng và tình cảm về những gì đã nâng đỡ ngài trong những năm tù tội và những gì ngài thấy là cốt yếu nhất trong cuộc sống người Kitô hữu khi mọi sự bị tước đoạt: đó là Thánh Thể, ngài cử hành bằng mấy giọt rượu và nước trong lòng bàn tay lúc 4g sáng; lòng sùng kính Đức Mẹ; cầu nguyện hàng ngày; hiệp thông với Giáo hội; yêu thương và tha thứ cho mọi người nhất là kẻ thù địch mình.
Nhưng ngài cũng tiết lộ về sự đau khổ đã làm ngài lớn mạnh về mặt tâm linh ra sao. Một trong những điều ngài học được trong cảnh tù đày là sự khác biệt giữa điều ngài gọi là “Chúa” và “công việc của Chúa”. Trong lúc nói chuyện riêng với tôi tại Chicago khi giảng huấn cho hàng giáo sĩ Việt nam, Đức Hồng Y tâm sự rằng khi còn ở trong tù, ngài cảm thấy thất vọng vì bị ngăn cản không được làm “các công việc của Chúa” lúc còn ở đỉnh cao quyền lực, giữa khi còn trẻ tuổi và sức khỏe dồi dào, lúc là một Giám mục thành công nơi giáo phận, đứng đầu một cơ quan kinh tế có thế lực gọi là Cơ quan Hợp tác Tái thiết Việt nam, và Tổng giám mục phó với quyền kế vị tại giáo phận thủ đô. Sau này ngài có viết: “Tôi cảm thấy một sự phẫn uất nổi lên trong tôi” (Chứng Nhân Hy Vọng, trang 42). Thế rồi một tiếng nói bí mật nói lên từ đáy tâm hồn: “Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì con đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây dựng trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo… đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Thiên Chúa chứ không phải là Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc ấy, hãy bỏ ngay và hãy tin thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con đã chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!" Chọn Chúa hoặc công việc của Chúa là khác biệt căn bản giữa đức tin và lòng sùng bái cá nhân.
Niềm vui và hy vọng
Nhờ ở niềm tin vào Chúa và không phải vào các công việc của Chúa mà Đức Hồng Y Thuận trở thành người ngôn sứ của hy vọng. Không phải ngẫu nhiên mà nhan đề các sách ngài viết có chữ “hy vọng”. Đó là sứ điệp ngài muốn để lại như một di sản tinh thần cho dân tộc Việt nam, Giáo hội Công giáo Việt nam, Giáo hội hoàn vũ và thế giới ngày nay. Nó nhắc ta nhớ đến khẩu hiệu giám mục “Gaudium et Spes” (Vui Mừng và Hy Vọng) ngài chọn khi thụ phong năm 1967. Nó cũng là chủ đề căn bản của các bài giảng Mùa Chay. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm ngài sửng sốt khi mời ngài giảng tuần cấm phòng Mùa Chay và hỏi ngài chủ đề ngài muốn giảng là gì, Đức Hồng Y trả lời: “Kính thưa Đức Thánh Cha, điều này làm con từ trên mây rớt xuống….Con rất ngạc nhiên…Có lẽ con có thể nói về hy vọng được không?” Việc Đức Hồng Y có thể lựa chọn chủ đề ngay tại chỗ, không phải nghĩ nhiều, chứng tỏ rằng hy vọng là điều ngài đã suy tư lâu dài và cần mẫn và nhất là đã sống suốt đời mình.
Đối với Đức Hồng Y Thuận, lịch sử nhân loại là câu chuyện về hy vọng: trước nhất là hy vọng vào Thiên Chúa. Chỉ từ niềm hy vọng này mà nhân loại mới có thể mạo hiểm trong hy vọng, trở thành một dân tộc hy vọng, và đổi mới được hy vọng khi gặp khó khăn. Chỉ từ niềm hy vọng này mới có nỗi vui đích thực.
Trong bài giảng Mùa Chay, Đức Hồng Y Thuận thuật lại niềm vui của các tông đồ khi họ gặp được Chúa phục sinh. Ngài gợi ý rằng, Giáo hội, lúc bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba, không những phải là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” nhưng cũng phải “vui tươi” nữa. Dĩ nhiên ngài không có ý định thêm vào một dấu hiệu nữa để nhận diện một Giáo hội thật, mà đối với ngài, Giáo hội không thể đích thực là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền nếu không bắt rễ từ nguồn hy vọng và kết quả đem lại sẽ là vui tươi.
Là một người yêu nước chân chính, một người tuẫn đạo vì đức tin, một ngôn sứ của hy vọng, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người thường tự xưng mình chỉ là một “cựu tù nhân” (Chứng Nhân Hy Vọng, xviii) còn tiếp tục nói với chúng ta, mạnh mẽ và cảm động, trên con đường chúng ta đi tìm kiếm để trở thành người hy vọng và tươi vui.
Ghi chú: Đức Hồng Y Renato R. Martin, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình tin tưởng rằng dịp kỷ niệm 5 năm ngày mất của Đức Hồng Y Thuận năm nay “sẽ được cử hành một cách thích đáng để chứng tỏ lòng tri ân là một món nợ lớn chúng ta phải trả cho người con này của Giáo hội.”