ĐÔI DÒNG TÂM CẢM
Xếp quần áo và những vật liệu cá nhân vô chiếc vali mà lòng tôi chùng xuống khi nghi đến hơn kém sáu tiếng lái xe tới một nơi chưa bao giờ biết, nhà xứ bác Lương nơi Texas. Dẫu tâm hồn phấn khởi nghĩ đến lúc gặp lại anh em, những chủng sinh tu muộn theo quan niệm của 42 năm trước, cũng không kích thích được lòng dạ của kẻ tuổi trời đã bước vào mùa thu cuộc đời. Cho dù ngay khi nghe được thông báo ngày đại hội Lâm Bích hải ngoại hơn hai tháng trước, tôi đã hứng khởi viết bản nhạc “Lời Gọi Lâm Bích” và đăng lên diễn đàn Gia Đình Lâm Bích, nhưng nỗi buồn nào đó vẫn âm ỉ gậm nhấm tâm tư, không biết gặp nhau rồi sẽ ra sao! Lẽ đương nhhiên, như câu cách ngôn, “Xa mặt, cách lòng,” 42 năm từ khi rời bỏ chủng viện, tôi nào có thể mường tưởng được gương mặt của bất cứ ai sau bao năm dài lưu lạc. Càng trớ trêu hơn, tôi thuộc lớp đầu tiên, sao những anh em các lớp sau này có gì thân thiết với kẻ đã ra đi chưa một lần gặp gỡ.
Và rồi chuyện đến cũng phải đến, bác Lương nghỉ luôn ngày làm việc tại tòa án hôn nhân địa phận để chờ tôi. Tôi gặp ngài dưới bóng rợp của tàng cây sồi cổ thụ bên cạnh một nhà thờ nho nhỏ kiểu cách cổ xưa, có lẽ đã được xây cất cả gần thế kỷ. Nhà thờ gần thế kỷ tuổi chỉ mang nét hơi cổ, nhưng sao anh em tôi xa cách mới hơn kém 42 năm, tôi lại cảm thấy nặng nề tâm cảm ngỡ ngàng của kẻ tha hương ở miền đất lạ, quê người! Tôi tự nhủ, bình tĩnh xem sự thể ra sao.
Ngày hôm sau, tôi không thể nhận diện được bất cứ ai khi từng nhóm người tiến vô tiệm ăn Doan’s Restaurant thường được người Việt mệnh danh “Phở Đoàn,” ở Dallas, Texas. Ngược lại đa số biết tôi. Một vài người ngỡ ngàng khi thấy ai đó gọi tôi bằng “nick name.” Ai không biết, “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba nhà thầy;” hầu hết anh em chúng tôi đều có nick name do sự trùng hợp tướng diện hay biến cố hoặc ý thích chiều hướng, nghề nghiệp nào đó. Chẳng hạn Long đen, Đoàn sếu, Hiến râu; còn tôi, chúng đặt Trần đèo, quả thật oan uổng, mang tiếng mà không có miếng.
Tôi vẫn cứ như người đi trên mây khi thấy một vài chị, cử chỉ, thái độ già dặn nhưng nét mặt và dáng người chừng như dưới 40, đi kề bên người chồng đang vồn vã, lớn tiếng chào hỏi những người đến trước, chẳng khác chi kiểu cách tân thời tha hương trở về quê mẹ kiếm người phối ngẫu. Tôi đã bị bé cái lầm; có lẽ tuổi trời tôi hơi cao nên thấy ai cũng trẻ đẹp, dễ thương, nhưng thương có dễ không thì ai qua cầu, kẻ ấy mới hay; chả thế mà đã có lời phát biểu, thiên đàng không có đàn bà!
Ngày tiếp theo, thứ sáu, ngoại trừ một vài người tự nhận trách nhiệm lo về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hoặc ẩm thực, còn lại, ai thấy việc gì làm việc nấy. “Các mẹ bề trên,” anh em chúng tôi gọi thế, cuốn chả giò, nhặt rau, nấu ăn theo lệnh mẹ bề trên đầu bếp. Họ cùng phu quân dự đại hội đấy nhưng cứ phải nói họ làm đại hội. Thiển nghĩ, tôi không nên nhắc tới tên bất cứ ai bởi nếu lỡ quên do có tí tuổi, coi chừng lại là cả một sự thiếu sót không thể tha cho chính mình dẫu mọi người đều biết.
Giờ kinh tối, tôi đọc Thánh Vịnh với mọi người mà lòng ruột bồi hồi cảm xúc. Nói cho đúng, tôi chẳng biết mình đọc gì. Là linh mục, đâu ai lạ gì những giờ kinh; hơn nữa vừa tham dự cấm phòng linh mục miền Đông Nam Hoa Kỳ về, nhưng nơi giờ kinh này, lòng tôi cứ lâng lâng như muốn cảm nhận những lời thánh vịnh thoát ra từ cửa miệng mọi người để rồi tích trữ làm của riêng. Giãi bày sao đây! Thôi thì đành chấp nhận, biết nhưng không thể nói.
Tôi cảm thấy ngỡ ngàng từ sự thể này qua sự thể khác. Sau bữa ăn, cung cách các mẹ bề trên như bừng sống sau một thời gian ngắn làm quen với môi trường. Có thể do hoặc nhờ thái độ “Thứ ba nhà thầy” của anh em chúng tôi khai phóng tâm tư e dè hoặc mặc cảm do bị nền văn hóa cổ đè nén nơi nữ giới dân Việt chăng! Tôi cảm thấy tiếc cho các mẹ bề trên khác đã không thể tham dự. Không phải chỉ mình tôi cảm thấy thế, mà chính những anh em không có vợ đi cùng cũng bày tỏ lòng tiếc nuối, hứa tới hứa lui dứt khoát phải đưa vợ tham dự lần tới. Thiển nghĩ, nữ giới người Việt xưa nay nắm giữ quyền nội tướng nhưng đã bị quan niệm cổ xưa tiềm ẩn nơi giòng máu che mờ nếu không muốn nói là ngăn cản nhận thức vị thế của mình nên thường tự tạo mặc cảm tự ti ngại ngùng đối với thái độ vui tươi tự nhiên. Nay, thực chứng thực trạng thứ ba nhà thầy, phỏng sự thể đó trở nên phương tiện thúc ngộ chăng? Tôi không những hy vọng, mà còn có thể nói, tin chắc như thế. Xét vậy, anh em nào kỳ rồi cùng vợ tham dự đại hội Lâm Bích mà gia đình từ nay không vui tươi hơn, chắc chắn cần phải đặt lại vấn đề. Có vợ để sợ vẫn còn hơn không biết sợ ai, không thánh nhân thì cũng là hiền nhân. Cho rằng tôi nói sai, không có sai sao có thể đúng, và kẻ nào không sai bao giờ thì suốt đời sai.
Nói về các mệ mà không nhắc tới nhóm “đần ông” chúng tôi thì cũng hơi thiếu sót. Ai không nhận biết lòng tốt lành, thánh thiện nơi những phụ tá nội tướng được mệnh danh trưởng gia đình, chẳng những nóng sốt, nhiệt thành cứ như ngày còn trong chủng viện dẫu bị các mệ bắt cóc đày ải bao nhiêu năm nhưng những đức tính xấu dễ học, khó chừa bị tạo nên do chính các mệ quá cưng chồng như Ca Dao có câu, “Mẹ cha bú mớm nâng niu, tội trời đành chịu không yêu bằng chồng.” Chẳng thế mà có anh xuýt gần trời, xa đất vì không kịp ăn. Đức tính nóng sốt nhà thầy cho dù hai năm mươi cũng hơi khó chừa coi chừng có khi bị gán ép thành vô cảm. Hy vọng anh em cảm nhận được sự thể thánh thiện quên mình lo lắng cho đại cuộc chẳng lúc nào ngơi của lòng nhiệt thành ai cũng nhìn thấy trong mấy ngày đại hội. Riêng những trường hợp đặc biệt, lần sau quí anh em nhớ năn nỉ vợ theo kè kè đeo túi đường thì còn gì mà lo no với đói.
Chỉ thương hại cho những viên gạch lát nền bị lau tới, lau lui, sáng bóng khiến mấy chú ruồi bay qua phải lắc đầu e sợ trượt chân không dám đậu. Coi chừng nếu một lần nữa đại hội cũng tại nơi ấy, sẽ phải bồi thường mớ gạch thì lỗ to, anh em cháy túi. Có lẽ người lãnh thành quả to lớn nhất của đại hội lại là “anh cố” vì được cơ hội nói lên những điều không dám nói nơi làng nước, nhất là giữa bá quan văn võ của giáo xứ. Kể cũng may, “Tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ,” coi chừng lên cân lại tốn tiền thay giỏ xe, quả là thiệt hại.
Ai ra về mà không tiếc nuối. Nhưng mọi người dẫu cho tiếc nuối thì vẫn còn có chốn ngóng chờ, chỉ thương thay cho chủ sở bơ vơ ở lại một mình. Một mình nhưng nào đã già lão gì cho cam, bé út mà! Nhưng, lại nhưng, ai mượn theo Thầy; ai mượn học Ông Nội! Có chăng, niềm vui đại hội nhớ mãi không quên. Hẹn gặp kỳ tới.
Lã Mộng Thường