Hầu như ai ai cũng có được cảm xúc thật diệu kỳ: ngày gặp gỡ hôm ấy như một giấc mơ có thực trong đời. Sau 41 năm, anh em Lâm Bích tứ phương lại hội ngộ ở xứ người – Beaumont, Texas; dù chỉ với 37 Lâm sinh (kể cả 9 quý phu nhơn của Lâm sinh). Ở đó, có những giọt nước mắt khi vừa mới gặp nhau và tiếng sùi sụt lúc chia tay. Rõ nhất, trên đôi mắt Bác Lương và hàng bao dòng nước mắt ngậm ngùi cứ phải chôn chặt vào lòng. Bởi như ai đó nói: “Có hạnh phúc nào không khổ đau!”. Sự diệu kỳ này mang lại hạnh phúc quá sức cho anh chị em – những người đã lấp lửng bước bên kia đồi cuộc đời.
Vượt đèo tìm nhau
Bác út Lương chỉ mới trong vòng 1 năm nay biết được tông tích Bác Đoàn – lớp anh cả. Khi đó, Bác Lương gọi:
-A lô! xin lỗi có phải cha Đoàn. – À tôi đây.
-Con, Trần Quang Lương, xưa kia ở Xuân Ninh Cam Ranh, xứ của cha đó.
-À rồi, thế con có gia đình chưa?
-Dạ, Không có chi cả.
-Thế mày làm gì ở đây?
-Con làm trong Nhà Thờ.
-Nhà Thờ có đách gì mà làm, mày cắt cỏ Nhà Thờ à!
-Dạ không con làm linh mục!
-A đèo… cái thằng làm linh mục ngon quá há!
Hai người cười ngặt nghẻo. Sau đó, hai Bác hàn huyên, té ra, chính Bác Đoàn giới thiệu và thúc đẩy Bác Lương đi tu từ dạo ấy.
Nghe chuyện mới hay Bác Đoàn có cái tên lạ lẫm, và như Bác chia sẻ trên thư đàn “ở chủng viện đứa nào cũng có nick name, tôi Đoàn đèo, có tiếng mà không có miếng”. Và cũng từ đó mà ai đó đổi nick name cho Bác thêm trang nhã rằng: “Đoàn Hải Vân”! Với tôi, nick name gốc xưa kia của Bác thơ mộng hơn nhiều so với cảnh sắc… đèo Hải Vân. Nghe “tiếng đệm”, Bác tỏ lộ sự vui mừng – nó thân thương, trìu mến hơn hẳn cái Hải Vân lạnh câm trên non cao kia.
Mở cánh cửa lòng trần tục
Ngày họp mặt là một sự diệu kỳ quy tụ những anh chị em từ quê xứ Canada, Đan mạch, khắp nơi trên đất Mỹ và đặc biệt anh Trung Diên – lớp Bác Lương từ VN sang.
Diệu kỳ hơn, anh Uncle Cao – bệnh nhân thường trực của tiểu đường, cao huyết áp…, một tuần trước đó chóng mặt xoay vòng vòng, té; dự định bỏ cuộc. Anh nguyện cầu trước di ảnh Ông Nội mỗi ngày, bác sĩ chuyền cho chai sérum…khỏe hẳn và lên đường.
Anh Nguyễn Cộng Hòa (lớp Bác Lương), trước đó 2 tháng sửa nhà, cưa đứt luôn 2 ngón chân và một ngón còn đeo lắc lư trên bàn chân. Anh chụp và quay lại bàn chân của anh cho anh em xem. Bác sĩ phẫu thuật nói, chỉ hy vọng 50% thành công. Không tắt hy vọng ở đó, có người thân vừa hành hương Lộ Đức về, Cộng Hòa xin vài giọt nước thánh và tràng chuỗi cầu nguyện với Mẹ Lộ Đức. Tám tuần sau đó, đến trình, đưa chân cho vị bác sĩ xem; vị này chắp tay nói, “Lạy Mẹ, tôi không thể tưởng được, việc Chúa làm!”. Bàn chân anh Cộng Hòa liền lạc như chưa từng bị cưa đứt hay vương vết thương tích. Thế là vali, giày vớ…lên đường với tràng chuỗi Đức Mẹ Lộ Đức luôn trên cổ anh như một vòng trang sức tuyệt vời.
Mới sang Mỹ chừng 2 năm, kiếm được việc làm đã quý, ông cố Nguyễn Hữu Đức vì đã từng “quá chén” ở quê nhà mà gần ngày họp mặt, “hên quá sức” lại lên cơn đau bao tử; ông cố bèn xin nghĩ việc một tuần trị liệu… lên đường đến Beaumont. Cùng với Tế Dân, chân tay khập khiểng trên cây gậy cũng nhón bước đến ngày hội ngộ. Ngồi “chích” điều thuốc ngoài trời, Tế Dân bảo, “Hạnh phúc quá ngày này, anh cầm hộ tôi ly rượu, chỉ còn một tay mà còn run rẩy”. Anh em chúng tôi Hữu Đức, Tế Dân mới ngày nào gặp nhau ở LaGi VN đã mừng vui quá xá cỡ; nay gấp bội – khó bút mực nào diễn đạt, ngoại trừ niềm hạnh phúc thoát thai từ trái tim.
Và, tôi tin chắc còn biết bao lời nguyện cầu thầm kín nữa được Ơn Trên ban cho, mà anh chị em được gặp gỡ nhau trong ngày họp mặt này.
Ngồi ngoài sân hội trường “phi” điếu thuốc, nốc bia lạnh nhìn sang ngôi nhà thờ gạch nhỏ cổ kính có từ trăm năm trước giữa những thảm cỏ xanh, vắng ngắt, kín bưng – giáo xứ của người Mỹ lặng như tờ, Bác Đoàn đèo bảo, Nhà Thờ của tôi không bao giờ đóng cửa, “Chúa mà không giữ được nhà của Chúa thì ai giữ được!”. Cười mà nghe thật sốc! Rồi Bác kể tiếp, dạo đó, tự dưng đêm hôm thấy Nhà Thờ sáng đèn, tôi lẽn sang, thấy một anh đang qùy trước bàn thờ khóc, tôi hỏi sao anh ở đây và có việc gì mà khóc? Anh trả lời, con giận vợ con quá, cãi vã, con tuyên bố bỏ nhà đi… Thế anh có muốn về lại nhà với vợ không? Dạ muốn. Anh cho tôi số điện thoại nhà vợ anh. Qua điện đàm, vợ anh nói, “Chồng con bỏ nhà đi trong cơn giận giữ, giờ không biết anh ấy ở đâu”. Bác Đoàn đèo bảo, thế cô có muốn chồng cô trở về? Ok. Thế cô đánh xe đến Nhà Thờ… chở chồng cô về…
Bác Đoàn đèo kéo hơi thuốc, tâm tư: “Con chiên thời nay hay lắm, biết cầu nguyện lắm, thắm tình lắm; Nhà Thờ đóng cửa làm gì!”.
Qua chuyện, phải chăng, ta nên mở chính lòng mình trống hoắc – như một nhà nguyện nhỏ nhoi, tầm thường, trần tục… để luôn đón nhận những người anh em mình.
Trong một buổi nhóm họp chia sẻ dịp tái ngộ Beaumont, Texas, ngày 27/10/2016, Hoàng Văn đứng lên dõng dạc kể lại câu chuyện đã diễn ra không lâu trên thư đàn Lâm Bích. Văn “kênh” nhau với “địa chỉ” Xóm Chài tưng bừng… Đã là Vănloto thì cứ quen phong cách kẻ chợ, bổ bã… Thế rồi, ai đó mách, Xóm Chài là Bác Lương đấy! Văn thốt lên, “thấy mẹ tôi rồi!”… Văn tiếp, “hôm nay, có thể có những anh chị em nghĩ rằng, vì vậy mà Văn sẽ không dự họp mặt! Nhưng vợ chồng Văn đi, đi bằng mọi giá để gặp gỡ anh em ngàn năm một thuở, biết đâu, rồi sẽ như ngọn cỏ ngoài đồng…; và đến để thành thật xin lỗi Bác Lương…”.
Đi mà không tới
Thương mến quá Văn ơi. Bác Lương thường thổn thức: “răng rứa, có chi mô! Ngôn ngữ chỉ là ảo, anh chị em đây mới là thật”. Bác Lương không ra “việc đền tội” như trong tòa hòa giải, nhưng đúng dịp này xe ai đó cán – robinet ngoài sân hội trường…bật gốc, hệ thống nước nhà xứ lại hỏng; Văn nhà ta, cùng anh em lặng lẽ đi home depot sắm thiết bị về cho Văn trổ tài sửa chữa xây dựng – nghề của chàng, hoàn thiện ngon ơ.
Kẻ đi đã đến, người quyết sang mà không tới. Thương nhớ bạn bè, dịp này không điệu thì biết đến khi nao! Đoàn sếu nhờ Bác Lương giúp cho tờ giấy mời, đóng triện đỏ hẳn hoi mời vợ chồng Châu Ly Phương – bạn cùng lớp sang họp mặt. Đoàn sếu còn kích, “chi phí vé máy bay tôi lo cho ông phân nữa, họp mặt xong; tôi cùng ông đi Cali đến nhà bạn bè chơi, mọi chi phí máy bay, ăn uống ngũ nghỉ… tôi lo tất, kể cả đưa ông ngao du khắp nước Mỹ!”. Đúng, Đoàn sếu còn có tên “Đoàn nổ” quê…Trảng Bom. “Đi khắp Mỹ thì nổ chơi, chứ những thứ hứa khác tôi lo”, Đoàn sếu tâm tình vậy. Thế rồi, lên phỏng vấn, Ly Phương rớt! Thật ra, quá hy vọng, bởi Ly Phương bỏ lại quê nhà – vợ con, 2 căn nhà và của… chôn giấu; vậy mà Ly Phương vẫn không ly hương được.
Đọc những lời tâm tình này của bạn Phiến quặp qua message mới thấy niềm yêu thương dưới mái trường xưa Lâm Bích mặn nồng: “Ông Tâm noir ơi, sáng hôm qua, tôi đã âm thầm ra đi khi mọi người còn đang say giấc. Tôi đã không gặp được ông để nói lời tạm biệt… Xem ra tôi với ông đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu nhất, rất tiếc mình không có nhiều thời gian để tán gẫu với nhau, cũng vì những thủ tục rườm rà,… Biết đến bao giờ gặp lại ông… Phiến gà”. Tôi phải dừng lại nhiều phút sau khi đọc message để cảm nhận một thứ tình cảm thật bay bổng. Và cũng cảm nhận câu chuyện cố hữu của những lần họp mặt toàn gia là “rườm rà” – mất thời gian qúy báu của nhau.
Sẻ chia cho nhau
Tiền họp mặt Beaumont, nhóm Dallas Texas đi tiền trạm chuẩn bị chung chung một bước. Cận ngày, Đoàn sếu và phu nhơn “trăn trở” về thực đơn, những món nào ăn sáng, món nào trưa, món nào lai rai, món nào nhậu tối…; cứ bàn tới, đảo lui. Rồi qúy bà Đoàn, bà Quang Thiện… hẹn hò đi mua sắm từ chai tương, hủ mắm, đồ tráng miệng, cái muỗng, ly nhỏ-lớn, chổi sắt chà bếp nướng… cho đến giấy vệ sinh đủ cả – quý bà chu đáo còn hơn về nhà chồng! Xin đa tạ.
Chuyện bếp núc có quý bà lo toan nhưng quý ông cũng chẳng vừa, anh Quang Trung lặng lẽ mỗi ngày, tự phong là trưởng ban “chà láng” và là nhân viên duy nhất cầm chổi vải chà khắp hội trường, bếp, toilet. Thảo lùn cũng xin gia nhập, người ngoại quốc (Đan Mạch) nhập cư chuyên đẩy máy hút bụi. Anh Nguyễn Thiết Cali chuẩn bị đèn đuốc sân khấu gửi sang Beaumont trước rồi thiết kế sắc màu như sao bay khắp khán phòng… Tất cả đều lặng lẽ “tấu” lên như một bản hòa ca thân thiết không thanh âm.
Một nét mới trong ngày họp mặt, chiều tối thứ sáu và thứ bảy là cùng đọc kinh Thánh Vịnh dài những 3 trang A4 do các Bác soạn, in: “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con. Cho con cất tiếng ngợi khen người. Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa. Tự muôn đời và chính hiện nay luôn mãi đến thiên thu vạn đại Amen”… Ngày thứ sáu còn đọc Kính chào Đức Nữ Vương (Salve Regina): “Kính chào Đức Nữ Vương/Bà là Mẹ xót thương/Ngọt ngào cho cuộc sống/Kính chào lẽ cậy trông/…”. Giờ chia sẻ, ngồi vòng tròn, Quang Trung chủ trì, từ giọng đầm ấm đến nội dung bài bản như hấp lực cuốn mọi người vào sự lắng đọng. Lạ hơn, thay vì giãi lao, Trung cho mọi người múa – diễn nguyện theo điệu kinh Lạy Cha và Kính Mừng thật khỏe mạnh thể xác và tâm hồn.
Say với những diệu kỳ
Tiệc tối thứ bảy, Bác Khuê – cha bạn Bác Lương đến tham dự với 5 khay cua loại 1 rang muối, ngon ơi là ngon, chắc nịch, thơm ngọt quá xá chừng; răng tôi vào loại đu đưa cũng ráng ngốn hai con! Đoàn sếu, chủ restaurant, răng cửa vừa mới mẻ một cái vì cái giò heo giả cầy – món khoái khẩu của chàng, cũng bất chấp gắp một đĩa vun cua ơi là cua! Từng nghe tài nấu nướng của Bác Khuê nhưng lạ hơn thế, một điều thật hiếm, trước khi là linh mục, Bác Khuê làm công nhân xây dựng chuyên chà bóng gạch đá để nuôi người em ruột của Bác vào nhà dòng trở thành linh mục trước; xong Bác mới vào tu tiếp. Thật kỳ diệu!
Cũng diệu kỳ, tôi đã gặp linh mục Toàn, hiện cha là tuyên úy ở Úc, xưa kia tu Sao Biển, ăn cắp kẹo của Châu Ly Phương – cùng lớp khi ấy và…bị đuổi. Sau 1975, vượt biên, tu tiếp nên linh mục. Cách nay chừng chục năm cha Toàn về VN, trong buổi tiệc, có cả Ly Phương, cha Toàn nói, “Hình như Chúa ở Việt Nam khó hơn Chúa ở hải ngoại!”.
Đêm văn nghệ cuối tôi mới hay Lâm sinh nhà ta ra phết, có lắm ca đoàn trưởng, nhạc trưởng, nhạc sĩ “vung tay múa kiếm”… để nguyện cầu như Phiến gà, Thảo-Hằng (Đan Mạch), Hoàng Quý, Vọng Sinh… Bác Lương vừa ca vừa đàn nhạc phẩm của Từ Công Phụng – Trên Đỉnh Yên Bình – mang mác làm sao: “Trên đỉnh yên bình một mùa xuân ôm kín khung trời, một mùa xuân thôi rã thôi rời. Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi…từng niềm vui bay theo biển nhớ…”. Hàng bao tiết mục, từng lúc từng chặp từng hồi cứ như đưa nhau về bến mơ và giấc mơ đã hiện về.
“Về đây với nhau nghe mùa thu lá đỗ trên đầu. Thời gian đi mau mình còn nhau còn được bao lâu… Cùng cất tiếng ca như tuổi xuân chưa hề phai nhòa. Hát với nhau đêm nay… Uống với nhau thật say. Uống men tình thật đầy…”, thơ Giang Tịnh (Phương C), phổ nhạc Minh Đức (Phổ trọc). Nhạc phẩm Về Đây Với Nhau này, Labika hải ngoại trình bày trong ánh đèn sân khấu chợp choạng mà diệu kỳ thắm thiết. Chắc một điều, nhạc của chàng “một xị” – (nick name của Phổ trọc) mà anh chị em hát như đã nốc cả lít – say tít mù khơi trong đêm cuối chia tay.
Tâm noir (11/08/2016)